Tháng 1, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố 27 bị can về 6 tội danh trong vụ án xảy ra tại Công ty Thái Dương và các đơn vị khác. Sai phạm liên quan khai thác trái phép quặng đất hiếm ở Yên Bái, buôn lậu sang Trung Quốc.
Trong đó, cựu thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cùng 6 cựu cán bộ tài nguyên khác bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Ông Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Công ty Thái Dương, bị cáo buộc 3 tội: Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Gây ô nhiễm môi trường.
>> Danh sách 27 bị can
Theo kết luận điều tra, năm 2013, Công ty Thái Dương được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác khoáng sản, cho phép khai thác đất hiếm tại xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Dựa trên quy định pháp luật và giấy phép, Công ty Thái Dương chỉ được tiêu thụ quặng đất hiếm sau khi đã chế biến thành oxit đất hiếm riêng rẽ có độ sạch 99,9%, quặng sắt cung cấp cho các cơ sở luyện gang, thép trong nước.
Tuy nhiên, Thái Dương sau đó đã không thực hiện đúng quy định ghi trong giấy phép. Một trong các vi phạm bị chỉ ra của Thái Dương là không xây dựng nhà máy chế biến sâu đất hiếm nên chỉ có thể sơ chế quặng đất hiếm khai thác được tạo ra sản phẩm "tổng oxit đất hiếm" hàm lượng TREO 18-20%.
Từ đó, Thái Dương không thể chế biến, chiết tách để cho ra sản phẩm là các oxit đất hiếm riêng rẽ có độ sạch 99,9%. Theo C03, việc này đã vi phạm chỉ thị số 02 năm 2012 của Thủ tướng về chấn chỉnh thăm dò, khai thác khoáng sản, trong đó yêu cầu khai thác khoáng sản phải gắn với chế biến sâu.
Trong thời gian từ 2019 đến 2023, Chủ tịch Thái Dương Đoàn Văn Huấn đã chỉ đạo cấp dưới tổ chức khai thác trái phép đất hiếm và quặng sắt tại mỏ Yên Phú với tổng trị giá hơn 864 tỷ đồng. Ông Huấn sau đó đã bán trái phép hơn 10.200 tấn tinh quặng đất hiếm (hàm lượng TREO 18-20%) và hơn 280 tấn quặng sắt, thu lợi bất chính hơn 736 tỷ đồng.
Theo kết luận, từ tháng 10 đến 11/2021, ông Lưu Đức Hoa (quốc tịch Trung Quốc) đã mua 2.160 tấn quặng đất hiếm chưa được chế biến sâu với hàm lượng 14-17% của ông Huấn. Ông Hoa sau đó chỉ đạo Nguyễn Thanh Đoàn, Phó giám đốc Công ty Thương binh Trường Sơn, ký hợp đồng gia công làm giàu tinh quặng đất hiếm với ông Huấn.
Quặng đất hiếm sau đó được ông Hoa chuyển về Hải Phòng rồi thuê công nhân sản xuất, nâng hàm lượng đất hiếm lên 20-30 %.
Để ngụy trang quặng đất hiếm có nguồn gốc bất hợp pháp, ông Hoa đã chỉ đạo nhân viên pha trộn thêm các hóa chất và phụ gia tạo thành hợp chất màu trắng đục. Ông sau đó cho đóng gói đất hiếm đã pha trộn trong các bao bì có sẵn nhãn hiệu là "Bảo Khang Rice, chuẩn cơm mẹ nấu, cơm dẻo mềm thơm đặc trưng". Mỗi bao 50 kg.
Sau khi ngụy trang thành công, ông Hoa thuê doanh nghiệp ở Trung Quốc làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa. Khi khai báo để xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã ghi là "hỗn hợp chất Oxalate", song thực chất là đất hiếm.
Qua nhiều mối liên hệ lòng vòng, bị can Trần Đức, Giám đốc Công ty TNHH Dương Liễu Logistics, được thuê làm thủ tục xuất khẩu đất hiếm dưới dạng hàng hóa "hỗn hợp chất Oxalate". Do hàng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc nên Đức nhận là chủ hàng, lập các hóa đơn thương mại hợp thức hóa nguồn gốc.
Từ tháng 5/2023 đến tháng 9/2023, Trần Đức đã mở 8 tờ khai tại Chi cục Hải quan cảng Đình Vũ, Hải Phòng. Trần Đức khai báo xuất khẩu mặt hàng là "hỗn hợp chất Oxalate" tổng khối lượng hơn 200 tấn, trị giá 501.950 USD.
Thực tế, số hàng hóa trên là đất hiếm đã được ông Lưu Đức Hoa pha trộn, ngụy trang để xuất khẩu trái phép sang Trung Quốc. Tính theo đơn giá quặng đất hiếm hàm lượng TREO 14-20%, ông Hoa đã buôn lậu 200 tấn đất hiếm với trị giá 341.326 USD (tương đương hơn 7,8 tỷ đồng), C03 kết luận.
Ông Lưu Đức Hoa xuất cảnh về Trung Quốc vào ngày 24/9/2023 nhưng quá trình xác minh lý lịch không đạt kết quả. C03 đã ra quyết định truy nã ông Lưu Đức Hoa về tội Buôn lậu.
Lợi nhuận tăng vọt do lợi dụng xuất khẩu đất hiếm với thuế suất 0%
Một trong những khách hàng mua đất hiếm khác của ông Huấn là Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Đất hiếm Việt Nam. Từ 2019 đến 2023, ông Tuấn đã mua 3.500 tấn quặng đất hiếm hàm lượng TREO 18-20% của ông Huấn, tổng trị giá hơn 142 tỷ đồng. Hàng mua về, Công ty Đất hiếm Việt Nam đã chế biến được thành 482 tấn "Tổng oxit đất hiếm" với hàm lượng TREO 95-97% rồi khai báo hải quan gian dối để xuất khẩu trái pháp luật.
Cụ thể, Công ty Đất hiếm Việt Nam được nhập khẩu nguyên liệu đất hiếm với hàm lượng TREO 50-56% của các công ty Trung Quốc trong thời gian từ 2019 đến 2022. Lợi dụng "cơ chế" này, Chủ tịch Tuấn đã chỉ đạo nhân viên dùng các hợp đồng nhập khẩu để hợp thức nguồn nguyên liệu đầu vào đã mua của Thái Dương.
Theo quy định pháp luật, giai đoạn trước ngày 1/2/2022, quặng đất hiếm được khai thác trong nước phải tinh luyện thành "bột oxit đất hiếm riêng rẽ" đạt hàm lượng 99% trở lên mới được xuất khẩu, thuế suất 30%. Sau thời gian này, doanh nghiệp được phép xuất khẩu "Tổng oxit đất hiếm" khi hàm lượng TREO từ 95% trở lên, thuế suất 10%.
Theo C03, quá trình mở tờ khai hải quan, làm thủ tục xuất khẩu, ông Tuấn đã chỉ đạo nhân viên khai báo mã hồ sơ xuất khẩu gian dối để được hưởng thuế suất ưu đãi 0%. Bằng cách này, từ 2019 đến 2023, ông Tuấn đã chỉ đạo mở 63 tờ khai, khai báo gian dối để xuất khẩu trái phép 474 tấn "Tổng oxit đất hiếm" hàm lượng TREO 95-97%, trị giá hơn 379 tỷ đồng.
Từ năm 2022, doanh thu và lợi nhuận của Công ty Đất hiếm Việt Nam tăng cao do xuất khẩu "Tổng oxit đất hiếm" với thuế suất 0%. Trong khi đó nguyên liệu đầu vào mua của Thái Dương phần lớn không có hóa đơn để hạch toán chi phí sản xuất kinh doanh.
Nhằm giảm doanh thu, lợi nhuận của công ty, Tuấn đã chỉ đạo lấy thêm hóa đơn của các công ty khác. Từ đó công ty đất hiếm của Tuấn đã sử dụng 15 hóa đơn để kê khai thuế giá trị gia tăng, gây tổng thiệt hại số tiền về thuế là 4 tỷ đồng.
Trước những sai phạm trên, ông Tuấn bị C03 cáo buộc về hai tội Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, ông Tuấn gây thiệt hại về thuế cho Nhà nước tổng cộng hơn 11,4 tỷ đồng; buôn lậu 474 tấn đất hiếm trị giá 379 tỷ đồng.
Một khách hàng khác của ông Huấn là Lưu Vũ (quốc tịch Trung Quốc) Giám đốc Công ty HUYHUANG. Vũ đến Việt Nam từ năm 2018 để mua quặng đất hiếm chuyển về nước bán cho các cơ sở chế biến.
Theo cơ quan điều tra, khi hợp tác với ông Huấn, Vũ biết rõ quặng đất hiếm tại mỏ Yên Phú của Công ty Thái Dương chưa tinh chế đủ tới điều kiện xuất khẩu. Ông Huấn cũng thỏa thuận với Vũ rằng nếu mua bán quặng đất hiếm sẽ không thể ký hợp đồng, không xuất được hóa đơn cho quặng chưa được phép bán.
Dẫu biết vậy nhưng từ tháng 5/2020 đến 6/2021, Lưu Vũ đã mua hơn 1.953 tấn đất hiếm trị giá hơn 70 tỷ đồng từ ông Huấn. Toàn bộ số đất hiếm này, Vũ giao cho một đồng hương khác vận chuyển về Trung Quốc tiêu thụ.
Trước sai phạm trên, Lưu Vũ bị C03 cáo buộc về tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Đất hiếm là khoáng sản quan trọng trong sản xuất thiết bị công nghệ cao như smartphone, pin xe điện... Theo công bố năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Trung Quốc có trữ lượng đất hiếm lớn nhất với 44 triệu tấn; kế đến là Việt Nam (22 triệu), Brazil và Nga cùng 21 triệu tấn.
Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam tính toán, thị trường đất hiếm toàn cầu có giá trị khoảng 10 tỷ USD, thị trường cho các sản phẩm sử dụng đất hiếm hơn 1.000 tỷ USD.
Phạm Dự