Bước chân lãng du đôi khi đưa ta rời xa chốn mình thường ở, và dù dài, dù ngắn, mỗi chuyến đi đó cũng cộng thêm vào hành trang ta không ít những điều mới mẻ.
Trong rất nhiều lần rời xa Hà Nội, tôi chợt nhận ra một điều, Hà Nội thật đẹp, thật thơ, nhất là trong nỗi nhớ của nghìn xa, nghìn cách. Sống ở Hà Nội khá lâu, đôi khi tôi phát cáu vì sự bụi bặm, ồn ào, vì sự đông đúc một cách quá đáng của đất và người nơi đây. Nhưng cứ thử mà xem, ai đó từng gắn bó với Hà Nội, chắc hẳn khi đi xa, sẽ lại có những góc nhìn đa sắc, đa cạnh hơn về mảnh đất ngàn năm văn vật này.
Tôi từng bực dọc vì Hà Nội những ngày tắc đường, tôi cũng tỏ ra khó chịu những ngày mưa phùn, gió bấc. Tôi không ít lần kêu ca rằng Hà Nội sao mà bừa bộn quá, bụi bặm quá… Rồi như một thói quen của những kẻ hay “xê dịch”, thích đi lại và di chuyển, tôi lại quay ra so sánh.
Hà Nội thua Nha Trang ở cái khí trời mát mẻ, của cái bầu trời xanh ngắt mấy tầng cao. Hà Nội lại thua xa Đà Nẵng ở sự sạch sẽ, gọn gàng của đường phố, lại càng thua xa Huế ở sự tĩnh tại vốn có… Nhưng đi mãi cũng mỏi chân, dòng suy tưởng cũng vậy, mãi rồi cũng uể oải theo. Và mọi sự so sánh lại thật thú vị, khi từ góc nhìn “trái chiều” này, tôi chợt phát hiện ra: Hà Nội lại thật đẹp, đẹp ngay từ trong ánh nhìn có phần đố kỵ của tôi.
Ta từng buồn vì Hà Nội thua Huế, kém Đà, chẳng bằng Nha Trang, nhưng Hà Nội lại có vẻ đẹp riêng đầy quyến rũ, thậm chí ngay trong những ngày mưa phùn, gió bấc. Thăng Long - kinh thành ngàn năm xưa cũ nhưng lại đẹp và nên thơ bởi cái rong rêu đầy ám ảnh của thời gian.
Hà Nội duyên lặn vào trong, mà điều này đôi khi người ta chỉ nhận ra khi đã rời Hà Nội, hoặc chí ít, cũng phải đủ từng trải, đủ những chia ly thì mới đủ tinh tế để cảm nhận được điều đó.
Hà Nội đẹp những thứ bình dị và bình thường, ở chiều sâu văn hóa, bởi cái bề thế của lịch sử nghìn năm. Chính vì vậy mà ta, đôi khi lại chẳng nhận ra nổi tình yêu, cảm tình của ta với Hà Nội.
Nếu một lần lìa xa Hà Nội, bạn nên thử nhớ về Hà Nội mà xem. Tôi có lần chợt giật mình khi trong một chuyến công tác tại Bạc Liêu, một người bạn mới quen từng khoe: “Xa thế mà em cũng được ra Hà Nội rồi đấy, đẹp anh nhỉ!”.
Thế mới biết, ta cứ ở lì mãi với Hà Nội, ta ngày ngày, thường nhật gần gũi với Hà Nội, chính bởi thế mà mắt ta mờ đi, ta mất cảm giác về cái đẹp của mảnh đất này. Thế mới biết cần lắm những chuyến đi xa để nhớ về gần.
Hà Nội đẹp bởi những hiện thân vô cùng bình dị, một con phố đổ ắp lá sấu vàng, một ngày đông mưa phùn, gió bấc, những cặp môi hồng thiếu nữ lại chợt làm cho ai đó xuyến xao. Hay hình ảnh các bà, các chị bên gánh hàng hoa, mà mỗi bông, mỗi cánh như các đốm lửa nhỏ, duyên lắm, thắm lắm.
Hà Nội những ngày mưa có nét đẹp riêng, vốn vẫn được coi là chốn Kinh kỳ, Kẻ chợ. Hà Nội thu về mình nhiều đặc trưng nhất của chốn đồng bằng Bắc bộ, mà chỉ cái chất mưa phùn, gió bấc, chẳng biết sương hay khói giăng kín cả cảnh vật, tàng cây thì có chốn khác nào có được và đẹp được như Hà Nội. Điều chẳng thể tìm thấy ở Tây Nguyên với đại ngàn lộng gió, hay miền Trung gió Lào cát trắng, và lại càng hiếm ở Sài Gòn - Hòn ngọc của viễn Đông.
Những ngày mưa, nhất là mưa phùn, mà lại se lạnh, còn gì sướng bằng ngồi trong ngõ nhỏ, quán cóc liêu xiêu mà nhâm nhi ly trà nóng (vốn cũng là một đại diện của quán xá Thủ đô) vừa run run vừa nhìn ngắm người qua lại, nghe tiếng dép lẹp kẹp của lũ trẻ, lại nghe tiếng cười rúc rích của cặp tình nhân cùng chung một chiếc ô.
Rồi Hà Nội có hàng rong với tiếng rao đêm. Hàng rong thì nhiều nơi có, nhưng để có được cái khí tượng như vậy thì chắc rằng chẳng thấy ở đâu.
Quán cóc, liêu xiêu, mưa bụi mơ màng, chỗ này là hoàng thành cổ kính, chỗ kia là tháp rùa rêu phong,
Hà Nội có hoa sữa và hoa sữa vốn có một ảnh hưởng đặc biệt với không ít người HN. Khi vào mùa, hương hoa sữa dụ dỗ những cặp tình nhân rong xe trên phố, lôi kéo mọi người ra đường để thưởng hoa.
Không giống như các loài hoa vô hương khác, hoa sữa nở và gửi hương theo gió, gửi hương cho gió. Vì vậy, đừng bất động trong tận hưởng, muốn cảm được cái nồng nàn này, phải lang thang trên các con phố, đuổi theo cái hương hoa kia trong gió. Một cách thưởng hoa cũng rất riêng của người thủ đô.
Nhưng nếu để ý, bạn sẽ dễ dàng nhận ra một đặc điểm “đặc” Hà Nội, chỉ Hà Nội mới có, đó là bên cạnh một hàng quà, thể nào cũng có một quán cóc bán nước chè, nước vối. Ấy, cái triết lý dựa vào nhau mà sống là thế đấy. Và chẳng cần nói thì ai cũng biết, đó là một phần văn hóa của người Tràng An.
Ai đã từng một lần lang thang với phố phường Hà Nội, đi sâu vào mọi ngõ ngách, ghé vào quán trà nóng, trà đá vỉa hè, đầu ngõ, rồi lại có lần lặng người lắng nghe tiếng rao đêm... có vậy mới cảm được cái hồn của Hà Nội.
>> Xem thêm: Những cánh đồng bên đường ngoại ô Hà Nội
Trải nghiệm cảm giác 'đi trên trời' ở Hà Nội Đứng ở đài quan sát cao 272 m này có thể nhìn thấy toàn cảnh Hà Nội, xa xa là dãy núi Ba Vì. |
Chia sẻ bài viết của bạn về quê hương, đất nước tại đây.