Giáo viên môn Ngữ văn Trần Thị Hồng Trang chia sẻ góp ý về dự thảo chương trình môn Ngữ văn mới.
Gần đây, trao đổi với phương tiện truyền thông, PGS Đỗ Ngọc Thống - Tổng chủ biên bộ môn Ngữ văn cho biết, ưu điểm của chương trình mới là tập trung vào dạy cách học, các yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nghe, nói. Ông nhấn mạnh vấn đề quan trọng nhất không phải dạy tác phẩm nào mà là dạy loại tác phẩm đó như thế nào, có đáp ứng được yêu cầu cần đạt hay không.
Nếu chương trình mới quy định quá chặt tác phẩm cho mỗi bài, mỗi lớp sẽ lặp lại hạn chế của chương trình hiện hành là không khuyến khích được năng lực tự chủ, ý thức sáng tạo của giáo viên. Cách làm đó cũng không tạo điều kiện cho việc thực hiện chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.
Vì để dạy - học ở bậc phổ thông nên một mặt chương trình theo hướng mở, tăng tính linh hoạt, khuyến khích tự chủ, sáng tạo. Mặt khác chương trình cần cung cấp cho học sinh một số kiến thức căn bản, nền tảng làm nên cốt lõi, trong đó có yêu cầu phải biết một số tác phẩm văn học nổi tiếng.
Cuối cùng, chủ biên minh chứng, giải pháp này được chương trình nhiều nước phát triển áp dụng.

Nhiều học sinh THPT khó cảm thụ các tác phẩm văn học trung đại. Ảnh: CTV
Cá nhân tôi khi đọc dự thảo chương trình môn Ngữ văn, rất tán đồng với một số yêu cầu về dạy và học. Nó thực sự cởi trói cho cả thầy trò vì sự trói buộc đến nhàm chán của chương trình hiện hành đến từ việc chỉ được dạy và học quanh quẩn vài tác phẩm. Một điểm sáng khác của dự thảo là vấn nạn văn mẫu gần như bị triệt tiêu để từ đó học sinh có ý thức sáng tạo, chủ động hơn trong học tập.
Tuy nhiên, 6 tác phẩm bắt buộc trong dự thảo chương trình mới khiến tôi có những băn khoăn. Các tác phẩm gồm: Nam quốc sơn hà (tương truyền của Lý Thường Kiệt), Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi), Truyện Kiều (Nguyễn Du), Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu), Tuyên ngôn Độc lập (Hồ Chí Minh). Xét về mặt đặc trưng thể loại, những áng văn, thơ này thiếu toàn diện và tính thẩm mĩ văn chương chưa thể hiện rõ qua ngôn ngữ - yếu tố thứ nhất của văn học.
Các tác phẩm Nam quốc sơn hà, Bình Ngô đại cáo, Tuyên ngôn Độc lập được xem như là ba bản tuyên ngôn độc lập trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc từ thế kỷ X cho đến XX. Những tác phẩm này không phải bàn cãi là rất có giá trị về mặt lịch sử. Tuy nhiên, xét ở tính văn chương, những áng văn này chỉ nổi trội về tính chính luận thông qua lập luận sắc bén, súc tích, minh xác (kể cả Hịch tướng sĩ).
Truyện Kiều là tác phẩm thành công nhất về mặt thể loại ở nghệ thuật sử dụng ngôn từ điêu luyện của tác giả Nguyễn Du. Nhưng chương trình hiện hành ở cấp THPT đưa vào những trích đoạn chưa phù hợp với tâm lý lứa tuổi của học sinh, đó là Trao duyên, Nỗi thương mình. Học sinh phải học những éo le trắc trở trong tình yêu và cả những vấn đề nhơ nhớp ở chốn lầu xanh, điều này gây cảm giác ảo não, sầu thương, ai oán không đáng có với lứa tuổi mới lớn.
Riêng Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là tác phẩm giáo viên chúng tôi trăn trở nhất khi giảng dạy, vì có nhiều từ cổ và sử dụng quá nhiều điển tích, điển cố. Dùng điển là một trong những thủ pháp nghệ thuật đặc thù được sử dụng khá phổ biến trong văn học trung đại Việt Nam.
Do ảnh hưởng của triết học và mỹ học phương Đông, đặc biệt là của Trung Hoa, dùng điển không chỉ là biện pháp tu từ mà còn là một dạng thức độc đáo để thể hiện tư tưởng tình cảm và xây dựng hình tượng nghệ thuật. Và muốn hiểu được thấu đáo ý tứ sâu xa của từng câu chữ trong tác phẩm này, học sinh buộc phải am tường về những điển tích, điển cố chủ yếu được trích dẫn từ thi liệu Trung Hoa.
Thử hỏi, có bao nhiêu giáo viên cả nước có khả năng dạy thành công tác phẩm này? Và bao nhiêu học sinh đã học xong thẩm thấu được những vấn đề cốt yếu về nội dung, nghệ thuật mà tác phẩm mang lại? Chúng ta không thể cưỡng chế học sinh phải học những điều xa lạ trong thời đại ngày nay. Chỉ có giáo viên giảng dạy và học sinh mới "thấu cảm" được nỗi nhọc nhằn khi tiếp cận với tác phẩm vì sự áp đặt khiên cưỡng của một vài tác giả soạn sách.
Trên cơ sở phân tích những ưu, khuyết của chương trình mới, tôi đề xuất một số gợi ý như sau:
Thứ nhất, nội dung môn Ngữ văn mới cần kế thừa những ưu điểm của chương trình hiện hành. Đó là những kiến thức từ ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, ngữ dụng cho đến văn bản cần được biên soạn một cách nhất quán.
Thứ hai, phần văn bản văn học nên đi từ dân gian đến hiện đại với một số tác phẩm dàn đều cho các thể loại quy định cụ thể cho mỗi cấp học. Dĩ nhiên, để chọn được tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc bắt buộc phải học là điều không mấy dễ dàng vì chúng ta có quá nhiều tác giả, tác phẩm. Nên chăng với văn học trung trung đại và văn học hiện đại, Bộ Giáo dục chỉ nên gợi ý những tác giả, tác phẩm tiêu biểu ở phụ lục tham khảo và tùy vào tình hình riêng của mỗi địa phương để giáo viên tự quyết?
Thứ ba, vì văn chương là nghệ thuật ngôn từ nên chương trình cần có nội dung cụ thể về sử dụng tiếng Việt, đó là sử dụng đúng, hay, trong sáng, sáng tạo và mang đậm đặc trưng tư duy dân tộc.
Thứ tư, cần đưa vào chương trình những tác phẩm tham khảo có giá trị về mặt ngôn ngữ, tính nhân văn và nội dung gần gũi với cuộc sống, phù hợp với lứa tuổi của học sinh ngày nay.
Thứ năm, thay đổi cách đánh giá về điểm số: điểm miệng, 15 phút, một tiết và kiểm tra học kỳ. Có thể quy định bổ sung về điểm số từ việc đọc sách thư viện, đánh giá theo quá trình từ việc học chủ đề, chuyên đề, dự án, sân khấu hóa tác phẩm văn học… để đánh giá chính xác năng lực và tạo hứng thú cho học sinh với bộ môn.
>>Dự thảo chương trình môn Ngữ Văn
Trần Thị Hồng Trang
Giáo viên môn Ngữ văn TP HCM
>>Mọi góp ý chương trình giáo dục phổ thông gửi về Giaoduc@vnexpress.net