Chiều 12/5, góp ý dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục tổ chức, bà Trần Thúy Hằng (từng là giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) cho rằng, chương trình chưa nói đến khía cạnh đào tạo giáo viên và thay đổi tư duy người dạy học.
Bà Hằng phân tích, tư duy của giáo viên rất quan trọng trong công tác giáo dục. Bởi nếu người dạy không chịu đổi mới, không theo hướng mở, đồng nghĩa với học sinh cũng không dám phản biện.
Hiện, giáo viên bị áp đặt nhiều thứ, từ biên soạn giáo án đến phương pháp giảng dạy. Cả người dạy và người học đều bị đóng trong khuôn mẫu nhất định.
Bà Hằng kể, có lần đưa học sinh của trường đi thi giải học thuật quốc tế, các em than: "Tụi em không kém học sinh nước ngoài nhưng do học khác các bạn, không được khuyến khích phản biện".
Từ đó, bà Hằng khẳng định, việc giáo dục tư duy phản biện là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nếu không làm điều này, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể khó thành công như mong đợi. "Có thể sự phản biện của học sinh chưa đúng, thầy cô phải chấp nhận và chỉnh sửa, song đừng bao giờ dập tắt ý tưởng sáng tạo của các em", bà nói.
Cùng chủ đề này, TS Nguyễn Khánh Trung (cán bộ Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục) đưa ra dẫn chứng tại các nước phát triển như Phần Lan, Pháp, giáo dục tư duy phản biện là nội dung cốt lõi, là trung tâm trong sứ mệnh của hệ thống giáo dục quốc gia. Nó được thể hiện xuyên suốt chương trình giáo dục, có mặt trong từng môn học và từng hoạt động giáo dục.
Theo ông Trung, tinh thần phản biện không chỉ là chuyện luôn nói "phản" lại những gì có sẵn. "Trước một sự việc, học sinh không có óc phản biện thì sẽ đơn giản biết và chấp nhận. Trong khi đó, học sinh có tinh thần phản biện sẽ tò mò, sẽ đặt câu hỏi trên nguyên lý vận hành và muốn khám phá", ông phân tích.
Ông Trung quan niệm, tinh thần phản biện của học sinh phải được coi trọng trong nền giáo dục bởi đó là nguồn cội của các phát minh, phát kiến và các sáng tạo.
"Đây cũng là năng lực cần thiết để học sinh có thể tự khai phóng và phát triển bản thân, phát huy khả năng nghiên cứu, tự học hỏi mà dự thảo chương trình phổ thông đã nhắc tới", chuyên gia giáo dục này nói.
Bà Lê Thị Nga (giáo viên trường THPT Lê Quý Đôn) nêu ra thực trạng giáo viên đang chịu nhiều áp lực khi thử nghiệm nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau nhưng khi thi cử, lại áp dụng tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục đề ra.
"Trong khi yêu cầu chuyên môn trong giảng dạy là dạy tích hợp, dạy học theo định hướng năng lực học sinh, làm sao chúng tôi có thể đảm bảo học sinh vừa có năng lực này vừa hoàn thành yêu cầu chung?", bà Nga trăn trở.
Nữ giáo viên này cũng lo lắng trước những kỳ thi dồn dập suốt năm học, đến mức bà ví von "cuộc đời là những cuộc thi". Việc chạy theo các kỳ thi cử khiến học sinh quay cuồng, lúc nào cũng chỉ lo học, thi và giáo viên cũng bị cuốn theo vòng xoáy đó.
"Khi nào còn cách thi cử, đánh giá như hiện nay thì còn áp lực. Chương trình mới cần có những nội dung giải phóng được những áp lực trên", bà Nga đề xuất.
Ngày 12/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Dự thảo đã chia giáo dục thành 2 giai đoạn cơ bản (Tiểu học, THCS) và hướng nghiệp (THPT). Chương trình xuất hiện nhiều môn học mới, phân rõ môn bắt buộc và tự chọn; các trường sắp xếp thời gian học từng môn.
Bộ Giáo dục sẽ lấy ý kiến xây dựng dự thảo chương trình này đến hết ngày 20/5.
>> Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Mạnh Tùng