"Hơn 4 năm đi dạy, tôi rất chán nản, thậm chí muốn bỏ nghề vì cảm thấy việc đi dạy thật vô nghĩa. Thế rồi, mọi chuyện thay đổi khi tôi nhận ra sức mạnh lớn lao của công nghệ mà giáo viên có thể áp dụng", cô Lê Thị Quỳnh Lê chia sẻ bên lề Diễn đàn Giáo dục Việt Nam "Đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin" diễn ra chiều 12/1 tại Hà Nội.
Là giáo viên tiếng Anh, cô Lê nhận thức sâu sắc tiếng Anh phải là công cụ để giao tiếp và làm việc. Học tiếng Anh phục vụ mục đích đó chứ không đơn thuần chỉ học ngữ pháp như hiện nay. Dù đã biết vậy từ lâu, cô không thể thay đổi thực trạng này nên cảm thấy chán nản.
Cách đây khoảng 6 tháng, cô Lê tham gia một khóa học mang tên "Dạy học tích cực". Ở đó, điều đầu tiên cô thấm được là "cái gì không biết thì tra Google". Nhận ra sức mạnh công nghệ là quá lớn, cô Lê bắt đầu tìm tòi các diễn đàn, khóa học về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và tự lên mạng mày mò tìm hiểu. Vì phải dạy 18 tiết mỗi tuần, không có nhiều thời gian học mọi thứ, cô quyết định chỉ học sâu vào những công cụ cần cho mục đích, kế hoạch giảng dạy của mình.
Sau 6 tháng tìm tòi, vừa học vừa áp dụng vào quá trình giảng dạy, giáo viên tiếng Anh của trường Dịch Vọng Hậu đã sử dụng thành thạo 9 công cụ công nghệ. Nếu như trước đây, cô chỉ dùng mạng xã hội hay Microsoft Word, Power Point vào những việc không liên quan đến dạy học thì giờ đây những công cụ này được dùng thường xuyên và hiệu quả hơn. Những công cụ mới như Google Drive, Youtube, Skype hay Storybird được cô ứng dụng trực tiếp cho công việc.
Cô Lê chia sẻ với một lớp học 40-47 học sinh ở trường công lập của Hà Nội, nơi có em là "cao thủ" về tiếng Anh, lại có em đến lớp với "cái đầu trống rỗng", mọi việc đều trông nhờ giáo viên thì việc làm sao để cân bằng trong bài giảng, giúp các em cùng hứng thú là rất khó khăn. Và chỉ đến khi nhờ vào công nghệ, cô mới giải quyết được bài toán đó. Không những vậy, việc giảng dạy của cô còn trở nên nhẹ nhàng hơn.
Chẳng hạn cô Lê đã hướng dẫn học sinh cách thiết kế Infographic về từ vựng tiếng Anh từ Power Point. Với cách làm này, cô chỉ cần đưa ra chủ đề, học sinh tự tìm từ vựng, hình ảnh phù hợp để làm thành một infographic đẹp mắt. Sau đó, các em sẽ mang lên lớp để thuyết trình trước các bạn. Ngoài việc giúp học sinh có thêm kiến thức về Tin học, cô Lê đã tạo điều kiện để các em tự tìm hiểu kiến thức, tự học và sáng tạo.
Với Storybird, nơi có những bức tranh có sẵn được tải lên theo dạng sách, cô Lê cho các em tự do viết một câu chuyện sao cho phù hợp với những hình ảnh. Sau đó, các em đưa nội dung đã viết lên web, mời bạn bè vào sửa giúp trước khi xuất bản để cả lớp xem. Làm như vậy, các em sẽ hào hứng vì thấy phần viết của mình được thể hiện một cách đẹp mắt. Hơn nữa, giáo viên như cô Lê không mất nhiều thời gian sửa bài mà chính các học sinh đã giúp đỡ nhau để cùng phát triển.
Với Skype, cô Lê chủ động kết nối với giáo viên và cộng đồng quốc tế, sau đó thêm học sinh vào nhóm để các em có điều kiện giao tiếp trực tiếp với người nước ngoài thay vì chỉ giao tiếp với nhau hay thuyết trình trên lớp.
Về việc hướng dẫn học sinh sử dụng các công cụ công nghệ để làm bài, cô Lê thường tự học trước, khi thành thạo sẽ quay lại video hướng dẫn rồi tải lên Youtube hay Classdojo để phụ huynh và học sinh cùng theo dõi và làm. "Tôi không thể hướng dẫn chi tiết cho hàng tram học sinh. Vì vậy, các công cụ công nghệ giúp tôi rất nhiều", cô Lê nói.
Giáo viên này quan niệm dạy sao cho học sinh được điểm cao chỉ là một phần, quan trọng hơn là phải làm sao để học sinh có cảm hứng mỗi khi đến lớp, muốn khám phá, muốn được học và thấy được những gì các em làm có thể áp dụng trong tương lai, từ đó mới có động lực làm tiếp.
"Những ngày đầu yêu cầu học sinh sử dụng công cụ công nghệ, các em kêu khó không làm. Sau khi được hướng dẫn, các em lại thích và đòi làm thêm. Có học sinh ngồi tới 5 tiếng đồng hồ để học viết email đúng chuẩn cho cô giáo. Có em bỏ thời gian ghi âm một đoạn nói 13 lần để chèn vào video. Điều đó khiến tôi vui và thấy mình đã thành công khi truyền được cảm hứng cho các em. Đó cũng là những thứ lớn lao nhất tôi đạt được trong suốt 5 năm đi dạy", cô Lê tâm sự.
Với cách dạy và học ứng dụng công nghệ thông tin, cô Lê đã không chỉ dạy các em kiến thức về tiếng Anh mà các em đã học được thêm nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, giao tiếp, viết email và phát triển nhiều năng lực như sáng tạo, tự học. Một điều quan trọng khác là cô Lê ngày càng cảm thấy công việc của mình ý nghĩa và muốn gắn bó với nghề hơn.
Không chỉ cô Lê, nhiều giáo viên khác cũng khẳng định ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy khiến việc dạy và học bớt nhàm chán rất nhiều.
Dạy Ngữ văn được 6 năm, cô Hoàng Thị Minh Hoa, giáo viên Ngữ văn của trường THCS & THPT Định Thiện Lý (TP HCM), cho rằng công nghệ thông tin là công cụ quan trọng để kết nối kiến thức với thực tế và với các môn học khác, giúp bài giảng thú vị hơn.
Cô Hoa kể trước đây khi chưa biết nhiều về công nghệ, cô ra đề bài yêu cầu học sinh kể lại tác phẩm bằng giọng văn của mình, sau đó các em viết ra thành bài kiểm tra và cô thu lại để chấm. Ban đầu, cô Hoa nghĩ rằng như vậy là ổn nhưng từ khi thực hiện dự án liên môn Ngữ văn - Tin học cách đây hơn một năm, cô bắt đầu nhận thấy cách làm đó không hề ổn chút nào bởi nó không phát triển được sự sáng tạo của học sinh.
Giờ đây, với nội dung văn tự sự, cô Hoa yêu cầu học sinh kể lại câu chuyện về tuổi 16 của chính các em. Cô chia lớp thành nhiều nhóm, các em trong cùng một nhóm sẽ tập hợp bài lại, vẽ, thiết kế hoặc chụp ảnh minh họa cho bài rồi dùng các công cụ công nghệ như Word, Power Point để tạo thành cuốn sách. Sản phẩm đem nộp không còn là một bài kiểm tra nữa. Điều này khiến các em hào hứng. Giáo viên chấm bài thấy sự sáng tạo của học sinh cũng trở nên vui hơn.
Cô Trần Thị Minh Hậu, giáo viên Ngữ văn trường THPT số 1 thành phố Lào Cai, cho biết nhờ các công cụ như Skype, cô có thể hướng dẫn, giảng cho các học sinh mọi lúc, mọi nơi, không kể trên lớp học. Công cụ này cũng giúp các em dễ dàng học nhóm hơn và không khí học tập hay làm bài tập về nhà trở nên thoải mái hơn.
"Có một vài học sinh chia sẻ với tôi là không còn theo các lớp học thêm nữa bởi giờ đây có thắc mắc gì là có thể hỏi cô hoặc các bạn ngay được", cô Hậu nói.
Đứng bục giảng từ năm 2003, có 7 năm dạy học ở Si Ma Cai, huyện vùng núi khó khăn của Lào Cai, cô Mai đã giúp nhiều học sinh được tiếp cận với công nghệ thông tin. Cô cho biết em nào cũng hào hứng và muốn tự mày mò học thêm, thậm chí nhiều em dạy ngược lại cho cô nhiều công cụ mới. Việc học trở nên cởi mở, hứng thú.
Diễn đàn giáo dục Việt Nam "Đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin" được tổ chức trong hai ngày 12 và 13/1 tại Hà Nội. Từ 50 dự án ứng dụng công nghệ thông tin của giáo viên cả nước, Diễn đàn sẽ chọn 10 giáo viên xuất sắc để tham gia xét tuyển cho ba suất tham dự Diễn đàn Giáo dục toàn cầu của Microsoft (Educators Exchange - E2) diễn ra vào đầu tháng 4/2019 tại Paris (Pháp).