Trước Quốc hội ngày 11/6, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận nhận định: "Việc dạy và học Ngoại ngữ ở Việt Nam không giống ai trên thế giới". Hết phổ thông học sinh không giao tiếp được, người ta nói cũng không hiểu. Chất lượng thầy cô còn thấp, nhiều em học ở trung tâm về phát âm đúng thì cô lại cho rằng sai.
Đồng tình với thực trạng Bộ trưởng nêu, nhiều giáo viên tiếng Anh phân tích sâu hơn nguyên nhân và cho rằng lỗi tại chất lượng thầy cô là chưa hoàn toàn chính xác.
"Nói giỏi mà thi trượt cũng chẳng để làm gì"
Có 11 năm giảng dạy tiếng Anh ở Bắc Giang, cô Đào Thị Ngân thừa nhận tình trạng học sinh tốt nghiệp phổ thông không giao tiếp được tiếng Anh là có thật, đặc biệt ở nông thôn và vùng núi, nhưng không phải tất cả như vậy. "Các em thi khối D thường rất để tâm đến Ngoại ngữ, học hết lớp 12 có thể giao tiếp tiếng Anh cơ bản", cô Ngân khẳng định.
Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này, theo cô Ngân, là do hệ thống bài thi Ngoại ngữ của Việt Nam chưa đưa kỹ năng giao tiếp vào. Định hướng dạy và học của thầy - trò do đó bị ảnh hưởng, ít chú trọng nghe - nói mà tập trung đọc - viết để vượt qua các kỳ thi.
"Người Việt có thói quen học để thi trước, cái gì chưa cấp bách làm sau. Các em khối D thậm chí cũng mang tâm lý học để thi đỗ đại học, bởi nghe nói giỏi mà thi trượt cũng chẳng để làm gì. Tiếng Anh bây giờ không phải môn tốt nghiệp bắt buộc nên học sinh càng ít tập trung", cô Ngân lập luận.
Chung quan điểm, cô Cao Thanh Nga (THPT Phan Huy Chú Hà Nội, 16 năm dạy tiếng Anh) cho rằng, không phải tất cả học sinh chương trình phổ thông đều không nói được tiếng Anh. Tình trạng "đuối", theo cô Nga, bắt nguồn từ việc tổ chức thi thiên về ngữ pháp, làm người dạy và học chỉ chú tâm vào đó để vượt qua kỳ thi.
Sách giáo khoa chưa "hấp dẫn"
"Giáo trình tiếng Anh hiện nay có nội dung nghe nói chưa phong phú, hấp dẫn", cô Cao Thanh Nga nhận xét. Sách giáo khoa của Bộ phân bố kỹ năng đồng đều với 32 tiết nghe nói trên tổng số 105 tiết tiếng Anh mỗi năm. Tuy nhiên, theo cô Đào Thị Ngân, một số nội dung chưa phù hợp với học sinh, giáo viên buộc phải điều chỉnh lại.
Trường Phan Huy Chú (Hà Nội) đã giảng dạy song song giáo trình tiếng Anh của Bộ với giáo trình Solution (Đại học Oxford) có nội dung kiến thức cập nhật và luyện đầy đủ 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết. Các thầy cô kết hợp phương pháp làm việc theo nhóm, thuyết trình, hỏi - đáp theo chủ đề để tăng sự hứng thú cho các em.
Sau một năm thử nghiệm với sự tham gia của giáo viên bản ngữ, khả năng nghe - nói của học sinh đã tiến bộ nhiều, tự tin giao tiếp với người nước ngoài. "Xem kịch tiếng Anh, các em lớp 10 học theo phương pháp mới đã hiểu nội dung vở diễn và trao đổi sôi nổi, trong khi anh chị lớp 11, 12 không biểu lộ cảm xúc”, cô Nga cho hay.
TP HCM được xem là nơi học sinh sử dụng tiếng Anh tốt nhất cả nước khi thụ hưởng Đề án tiếng Anh tăng cường của Chính phủ áp dụng 10 năm nay. Thầy Yên (giáo viên tiếng Anh THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) cho biết, trình độ tiếng Anh của học sinh trong trường rất tốt.
"Ngoài việc tuyển chọn đầu vào gắt gao thì việc được học chương trình tăng cường đã mang lại hiệu quả. Hầu hết các em ra trường đều sử dụng thành thạo tiếng Anh", giáo viên này nói và cho biết thêm, nhà trường đã cố gắng rèn luyện đồng đều cả 4 kỹ năng thay vì dạy nặng ngữ pháp như nhiều trường.
Ngoài các giáo viên người Việt, trường có nhiều giáo viên bản ngữ, các em được tiếp xúc hàng tuần. Bên cạnh đó, nhiều học sinh TP HCM học tiếng Anh từ nhỏ nên các em có nền kiến thức tốt hơn học sinh miền núi.
Việc các trường nông thôn, miền núi thiếu trang thiết bị giảng dạy như loa đài, Internet, máy chiếu cũng khiến người dạy và học không hứng thú luyện kỹ năng này. Tại trường Yên Dũng (vùng cao Bắc Giang), giáo viên muốn đổi mới phương pháp dạy cũng không thực hiện được, cô Ngân cho hay.
Chuẩn thầy cô không thống nhất
Học sinh phát âm tiếng Anh chuẩn hơn giáo viên mà Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu, theo cô Nga, có trong thực tế. Những học sinh được tiếp xúc với người bản ngữ nhiều hơn thầy cô nên khả năng nắm bắt kiến thức, điều chỉnh phát âm tốt. Bên cạnh đó, tiếng Anh mỗi vùng Anh - Anh; Anh - Mỹ; Anh Singapore… khác nhau. Thầy cô có giọng khác nhau khi nói tiếng Anh sẽ khác.
Thực tế kỳ thi chuẩn Châu Âu mà Bộ Giáo dục áp dụng thời gian qua, có rất nhiều giáo viên chưa đạt. "Nhưng giáo viên phát âm sai không có nghĩa là chưa đủ khả năng dạy học sinh", cô Ngân nêu quan điểm, "chuẩn Châu Âu với mức độ đáp ứng nhu cầu của học sinh là khác nhau".
"Chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên chưa đồng đều", thầy giáo một trường điểm ở Hà Nội nhận xét và cho rằng, quá trình giảng dạy ngoại ngữ thầy cô cần tăng cường kiến thức liên môn, vận dụng thuật ngữ chuyên ngành các môn khác như Toán, Lý, Hóa, Văn học nước ngoài để khơi dậy sự ham hiểu biết, tự tìm tòi kiến thức ngoài sách giáo khoa.
"Dạy ngoại ngữ, thầy cô không chỉ lên lớp với bảng đen phấn trắng dạy ngữ pháp cho học sinh là xong. Cần phải có nhiều hoạt động ngoại khóa, các bài viết luận, trải nghiệm thực tế. Ví như học sinh Hà Nội có thể ra Hồ Gươm dẫn 'tour' du lịch hoặc giới thiệu địa điểm nổi tiếng cho khách nước ngoài. Như vậy mới có thể tiến bộ", thầy giáo này đề nghị.
Để khắc phục thực trạng học sinh tốt nghiệp THPT không giao tiếp tiếng Anh được, các thầy cô đề nghị đổi mới giáo trình, tăng bài nghe - nói, kiến thức phù hợp với hiện tại. Cách thi cử cần được điều chỉnh để buộc học sinh rèn luyện đủ 4 kỹ năng. Ngoài kiến thức nền đã có, giáo viên cần tự học, cập nhật phương pháp giảng dạy tiên tiến.
Trang Thùy Loan