Người đàn ông 30 tuổi nói mình chọn sai thời điểm đến Việt Nam khi thời hoàng kim của những "giáo viên Tây" ở Việt Nam đã qua, cạnh tranh ngày càng gay gắt kéo theo mức lương thấp.
"Một giáo viên không thể sống nếu chỉ dạy ở một trung tâm", Amy nói. "Nó càng khó khăn hơn với người Mỹ như tôi". Ở trường công, anh nhận thù lao 350.000 đồng một giờ dạy, cao hơn 100.000-150.000 đồng ở các trung tâm Anh ngữ.
Sau Covid-19, hình thức dạy trực tuyến lên ngôi như cách để tiết kiệm tiền thuê cơ sở và giảm lương giáo viên. Hiện tại, giáo vụ chỉ có thể phân giáo viên một đến hai lớp. Anh đánh giá mức thu nhập này không thỏa đáng so với khối lượng công việc hành chính ngoài giờ dạy như viết giáo án, báo cáo, chấm bài, trao đổi với trợ giảng, dự họp.
Cuối tháng 6, một người bạn của anh thông báo trung tâm của họ đã giảm hơn 50% học viên. Họ gần như không thể tuyển thêm giáo viên, phải chuyển văn phòng từ quận 3 đến TP Thủ Đức để giảm giá thuê. Cuối cùng, Amy chọn về nước.
Stephen Wield, 40 tuổi, nói mùa hè là giai đoạn anh phải thắt lưng buộc bụng nhất. Nam giáo viên người Mỹ ở quận Tân Phú đã có con vào năm ngoái. Chi phí gia đình tăng gấp đôi nhưng anh không tìm được trung tâm Anh ngữ nào tuyển giáo viên full time trong khoảng thời gian nghỉ hè ở trường công.
Anh đến TP HCM 7 năm trước, nhận ra thị trường dạy ngoại ngữ ở đây rất nhiều cơ hội với những giáo viên bản ngữ như mình. Thực tế, Stephen được trả 450.000 đồng (20 USD) cho một giờ dạy, trung bình 20-30 giờ mỗi tuần. Thu nhập này cho anh sống rất thoải mái ở Việt Nam.
Nhưng tình hình đã khác, đặc biệt là sau Covid-19 và suy thoái kinh tế. Từ tháng 4 đến tháng 8, Stephen chỉ nhận được một công việc bán thời gian, dạy ba đến năm giờ mỗi tuần.
"Có quá nhiều sự cạnh tranh khi ngày càng nhiều người nước ngoài chọn Việt Nam làm nơi định cư", anh nói. "Trên thực tế, họ ưu tiên những giáo viên ngoại hình tốt, người da trắng, mắt xanh và tóc vàng, tôi chưa đủ tiêu chuẩn này".
Trong khi Stephen tiếp tục rải CV ở các trung tâm, gia đình ba người của anh sẽ sống bằng tiền tiết kiệm. Chàng trai người Mỹ nói vật giá ở Việt Nam đã tăng liên tục trong bốn năm qua khiến khó khăn của anh ngày càng lớn hơn.
Những người nước ngoài chật vật tìm việc như Stephen và Amy không hiếm. Khảo sát của TEFL teaching community (cộng đồng giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh) hiện có 50.000 thành viên, cho thấy số lượng công việc đã giảm 50% trong vòng một năm qua. Đại diện nhóm English Teaching Jobs có 55.000 thành viên ở TP HCM lý giải thị trường việc làm Anh ngữ dành cho các giáo viên có bằng TESOL, TEFL, CELTA ở các nước châu Á đang giảm.
Bà Debra Mann, quản trị viên TEFL teaching community, cho rằng nguyên nhân là số lượng học viên ở các trung tâm đã giảm buộc nhà tuyển dụng phải cắt giảm hoặc chọn lọc khắt khe hơn. Bà đến Việt Nam lần đầu 7 năm trước, nhận thấy các trung tâm đua nhau chiêu mộ giáo viên phương Tây nhưng điều này đã không còn ở hiện tại.
Thêm vào đó, sự sụp đổ của chuỗi trung tâm tiếng Anh Apax Leaders đã làm suy giảm lòng tin của phụ huynh. Họ cần bằng chứng rõ ràng hơn về sự tiến bộ của con em mình và không sẵn sàng chi số tiền lớn.
Số lượng giáo viên bản ngữ ở TP HCM tăng vọt trong vài năm qua, tạo ra sự cạnh tranh khắc nghiệt hơn. "Miếng bánh đang bị chia nhỏ", bà Debra Mann nói. Một số người tính chuyển đến thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, và Thái Lan.
Jenny Petrova mang theo con trai 12 tuổi sang Việt Nam sống, chưa từng nghĩ đến cảnh gần một năm gửi 100 đơn xin việc khắp nơi mà không được phản hồi.
"Tôi cảm thấy chới với", người phụ nữ Nga, 43 tuổi, ở quận Tân Bình nói.
Hè năm ngoái, Jenny đến TP HCM để thăm em họ và nhanh chóng phải lòng Việt Nam bởi khí hậu ấm áp, con người thân thiện. Cô tốt nghiệp cử nhân giáo dục, hoàn thành chứng chỉ TEFL (Teaching English as a Foreign Language - chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh), có 7 năm kinh nghiệm nên tin rằng mình sẽ nhanh chóng ổn định cuộc sống ở Việt Nam.
"Nhưng tôi đã lầm, thị trường lao động ở đây quá khắc nghiệt", cô nói. Ba tháng đầu, cô tìm việc thông qua website lẫn các hội nhóm trên mạng xã hội nhưng chỉ nhận được vài việc trả lương theo giờ, không ổn định.
Quá nửa tháng, sự lo lắng của Jenny lớn dần. Cô muốn tìm chỗ làm cố định và hỗ trợ visa lao động. Mỗi ngày, cô gửi từ hai đến bốn email cho nhà tuyển dụng thuộc đủ lĩnh vực nhưng vẫn không được phản hồi. Jenny chỉ được một số trường mời làm trợ giảng hoặc dạy thay giáo viên nghỉ ốm.
Nghĩ ở thành phố lớn nhiều cạnh tranh, cô chuyển sang tìm ở ngoại ô Hà Nội, TP HCM và Ninh Bình. Tháng rồi, cô nhận được hai lời mời nhận việc. Một nơi muốn cô ký vào hợp đồng 100 giờ dạy mỗi tháng, mức lương 8 triệu nhưng họ hứa sẽ trả lương 33 triệu thực tế nhưng Jenny nói "không có cơ sở để tin họ".
Một nơi khác muốn cô thử việc ở tỉnh xa trong 10 ngày, tự lo chi phí di chuyển và nơi ở. Đồng thời, họ cũng không trả lương cho những giờ dạy này. Cô từ chối dù tiền tiết kiệm đang cạn dần.
Trong khi đó, ở căn hộ quận Tân Bình, Jenny chia nhỏ số tiền tiết kiệm còn lại để duy trì mức sống cơ bản nhất. Cô nhẩm tính thuê nhà 6 triệu, hai mẹ con chỉ được chi một triệu mỗi tuần cho ăn uống, học hành, đi lại. Jenny tự học thêm tiếng Việt để tăng khả năng được nhận việc trong tương lai.
"Tôi thật sự yêu Việt Nam và muốn ở đây lâu dài", cô nói.
Ngọc Ngân