8h ngày 24/4, cô Nguyễn Thị Hồng Vân, giáo viên trường Mầm non Hoa Phong Lan (TP Pleiku) chuẩn bị muối, đường, chanh và một chai nước lọc trên bàn... cho "tiết học online" kéo dài gần 5 phút hôm đó.
Ở phía đối diện, một cô dựng chân quay, kẹp sẵn cái điện thoại, một cô ngồi bên cầm kịch bản chờ nhắc đồng nghiệp nếu có gì sai sót trong quá trình quay.
Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, trong màn hình chiếc điện thoại Samsung, hình ảnh cô Vân đang hướng dẫn học trò khám phá tính chất của nước, cách pha ly nước chanh đường, và khuyên các em uống thường xuyên để tăng cường sức đề kháng, bảo vệ cơ thể tốt nhất trong mùa dịch.
Các giáo viên xác định, mỗi video phải đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn và tính giáo dục cao, giúp trẻ rèn luyện được khả năng phát triển nhận thức, thẩm mỹ, nhất là hướng vào giáo dục kỹ năng cho trẻ... Vì vậy, để hoàn thành video chỉ từ 3 đến 5 phút tốn rất nhiều thời gian. Từ lên ý tưởng, giáo án, hoàn thiện... mất gần một tuần mới hoàn thành hai đến ba video.
Để quay được một tiết học cần sự phối hợp của nhiều thành viên gồm giáo viên, cán bộ quản lý. Mỗi tổ khối lớp sẽ được giao nhiệm vụ nghiên cứu, soạn đề cương, bài giảng và giáo viên trong tổ cùng góp ý hình thành một tiết dạy. Trong quá trình thực hiện quay lại các tiết dạy cũng giúp giáo viên tích cực hơn trong nghiên cứu, sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.
Gần tháng qua, trường Mầm non Hoa Phong Lan đã quay được 10 video giảng dạy. Nhiều video được đánh giá ấn tượng như: hướng dẫn đeo khẩu trang; thí nghiệm với nước; hướng dẫn bé làm con sâu; trò chơi hoa nở...
"Chỉ vài ngày đăng trên Facebook, số lượt xem lên đến 4.000", cô Trần Thị Thoa, Hiệu trưởng nhà trường khoe và cho biết, ngoài ra nhà trường còn chia sẻ cho phụ huynh thông qua gmail, nhóm Zalo, Fabook, Youtube... để hướng dẫn trẻ học ở nhà.
Chị Nguyễn Thị Hoài Thu, phụ huynh học sinh trường Mầm non Hoa Phong Lan cho hay, trong thời gian nghỉ dịch, vợ chồng chị thay phiên ở trông cháu. Các video của giáo viên gửi qua Facebook, bé rất thích thú. "Tôi chỉ cho con xem video lúc buổi trưa. Bé vừa xem, vừa học, vừa chơi rất hiệu quả và không còn xem các chương trình vô bổ trên mạng nữa", chị Thu cho hay.
Trường Mầm non Hoa Phong Lan có gần 500 học sinh, trong đó có một lớp 20 trẻ là người đồng bào thiểu số. Đối với nhóm lớp này, cô Ksor Huyn cùng một giáo viên khác đảm nhận việc quay, giảng bài bằng tiếng Việt và tiếng Jarai tại điểm trường làng Pleiop, phường Hoa Lư, TP Pleiku.
Khác với những giáo viên trong trường, cô Huyn mặc trang phục của đồng bào mình, và hướng dẫn học trò của mình đeo khẩu trang đúng cách để phòng tránh dịch bệnh. "Cái video đầu còn nhiều bỡ ngỡ, phải sửa đi sửa lại nhiều chỗ. Nhưng từ video thứ 2, công việc trở nên suôn sẻ hơn", cô Huyn nói.
Bà Nguyễn Thị Phương Huệ, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai cho biết, toàn tỉnh có 264 trường mầm non, với 86.000 học sinh, trẻ người đồng bào thiếu số chiếm 45% nên việc dạy học qua video cũng có nhiều hạn chế.
Nhưng nhờ các trường mầm non tham gia gần như 100%, góp phần hỗ trợ phụ huynh cách dạy trẻ củng cố các kỹ năng tại nhà và làm quen một số kiến thức mới trong thời gian nghỉ để phòng tránh Covid-19.
Theo cô Huệ, sau khi quay xong, các video sẽ được gửi đến phòng Giáo dục đánh giá, thẩm định, nếu đạt yêu cầu mới chia sẻ cho các phụ huynh. Hình thức này cũng phù hợp với mục tiêu chương trình giáo dục mầm non. "Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn khuyến cáo phụ huynh không nên để trẻ tiếp cận điện thoại quá nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như mắt các cháu", cô Huệ nói.
Hôm 23/4, học sinh lớp 9 và lớp 12 ở Gia Lai đã trở lại trường sau thời gian dài nghỉ dịch. Học sinh lớp 6, 7, 8, 10, 11 và sinh viên, học viên đi học trở lại ngày 27/4. Tiểu học và Mầm non ngày 4/5 mở cửa trở lại.
Trần Hóa