Tiết học qua Zoom hôm thứ tư kết thúc, cô Đỗ Thị Lan, giáo viên Tiểu học Đan Phượng (Hà Nội), không vội tắt máy mà đăng nhập Azota để giao bài tập cho học sinh. Xong xuôi, cô giáo 53 tuổi mở ứng dụng khác để tạo trò chơi học tập cho các tiết sau. Đây là những thứ mà hai năm trước, cô chưa từng nghe tên.
Cô Lan nhớ lại cách đây gần chục năm, khi lần đầu tiên "đưa công nghệ vào dạy học" bằng cách soạn bài giảng trên PowerPoint và dùng máy chiếu giảng bài.
"Khi đó, ứng dụng này là cái gì đó rất mới mẻ và chúng tôi - những giáo viên sinh ra ở thời công nghệ thông tin chưa phát triển, đến soạn thảo văn bản trên máy tính còn chậm - phải rất nhọc nhằn mới tạo ra một bài giảng trên PowerPoint", cô Lan kể.
Sau đó 2-3 năm, Tiểu học Đan Phượng triển khai dạy học bằng máy chiếu thường xuyên ở các khối lớp, bắt đầu với lớp 1, khiến cô Lan phải học PowerPoint một cách bài bản. Cô cũng phải tự sử dụng máy chiếu chứ không có trợ lý kỹ thuật ngồi cạnh hỗ trợ từng thao tác. Lúc bấy giờ, mọi thứ liên quan đến máy tính, cô đều phải tự học.
Dạy được thành thạo bằng máy chiếu rồi tự học thêm cách tạo trò chơi trên PowerPoint, cô Lan nghĩ như vậy đã đủ để bài giảng sinh động. Thế nhưng, đại dịch Covid-19 khiến học sinh phải dừng đến trường sau Tết Nguyên đán 2020, các trường chuyển sang dạy và học online, lần đầu nghe đến Zoom, cô lại sốt sắng.
"Tôi nghĩ mình phải học để dạy được học sinh. Đó là trách nhiệm với các em và phụ huynh", cô kể.
Một tuần trước khi dạy trực tuyến, cô cùng đồng nghiệp được giáo viên Tin học và tiếng Anh hướng dẫn 1 - 2 buổi. Cô Lan rất lo lắng bởi trông nó khác hoàn toàn với máy chiếu - hình thức "rất công nghệ" mà cô tự học trước đó.
Cả tuần sau đó, cô cùng giáo viên trong tổ hàng ngày vào Zoom để tập các thao tác, từ mở ứng dụng, bật - tắt micro, camera đến chia sẻ màn hình. Thế nhưng, khi vào những buổi dạy online đầu tiên, cô giáo vẫn lúng túng, không thể quản lý lớp, để học sinh bật micro tràn lan, vẽ linh tinh. Có những thao tác đơn giản, nhưng màn hình hiển thị bằng tiếng Anh, cô Lan không tự tin bấm vào, phải nhờ người hỗ trợ.
Không muốn những tiết học của mình "dở" như vậy, cô tiếp tục tự tìm hiểu trên Internet, nhờ con giúp và tự rèn luyện để ghi nhớ. Thời gian này, không hôm nào cô đi ngủ trước 23h30. Dần dần, các lớp học diễn ra trơn tru hơn.
Dạy học trực tuyến không chỉ dừng lại ở một đợt mà đã thành nhiều đợt trong suốt gần hai năm qua. Trường Tiểu học Đan Phượng hướng dẫn giáo viên sử dụng thêm một số ứng dụng giao bài, tạo đề thi, chấm thi, tạo trò chơi học tập như Azota, OLM, Quizizz, nhằm cải thiện chất lượng giờ học. Cô Lan cũng tham gia các nhóm trên mạng, học qua YouTube và đồng nghiệp để sử dụng được.
"Lớn tuổi rồi, học chậm hơn, phải học đi học lại nhưng đến giờ cũng may mắn dùng ổn", cô Lan nói.
Dạy học trực tuyến được áp dụng nhiều đợt trên cả nước do ảnh hưởng của Covid-19 hai năm qua. Không chỉ cô Lan và các giáo viên lớn tuổi ở Hà Nội, nhiều thầy cô ở vùng nông thôn, nơi công nghệ thông tin trong trường học vốn chậm phát triển hơn, cũng từng lo lắng rồi phải tự chuyển mình để bắt nhịp.
Dạy lớp 5 trường Tiểu học và THCS Tiên Ngoại (Hà Nam), cô Lê Thị Thanh Hải, bất an khi được thông báo phải dạy trực tuyến trong khi khái niệm này còn xa lạ với nhiều giáo viên độ tuổi 51 như cô.
Nhớ lại đợt đầu Hà Nam tổ chức dạy online, cô Hải bật cười. Lần đầu nghe tới Zoom, không biết cách cài đặt, cô và nhiều giáo viên trong trường phải mang laptop đến nhờ hiệu phó hỗ trợ. Những tiết học đầu tiên, các thao tác cô sử dụng chỉ là đăng nhập vào phòng học và rời đi khi kết thúc. Một số lần học trò quên không tắt micro, buổi học bị ảnh hưởng bởi tạp âm, cô không hề biết mình có quyền tắt micro, camera của toàn bộ người tham gia.
Trong suốt thời gian học trực tuyến, con trai học lớp 9 là "quân sư" đắc lực của cô Hải. Cô dần biết tắt, mở micro, camera của học sinh, phê duyệt tài khoản trước khi vào phòng, chia sẻ màn hình để học trò dễ theo dõi bài giảng.
Gần đây, lớp học Zoom của cô bị người lạ truy cập quấy rối. Cô Hải nhận biết được các dấu hiệu bất thường và bình tĩnh xử lý. Xác định được người lạ, cô nhanh chóng xóa tài khoản đó khỏi phòng học.
Gần đây, cô Hải hưởng ứng hoạt động của trường về việc ghi lại bài học trực tuyến, sau đó chia sẻ để các giáo viên học hỏi kinh nghiệm của nhau. "Tôi tự tin và thành thạo hơn rất nhiều, không còn thấy chật vật khi nhắc đến học trực tuyến và các thao tác công nghệ nữa", cô Hải chia sẻ.
Từ cuối tháng 9, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nhiều khóa tập huấn nâng cao năng lực dạy học trực tuyến, qua truyền hình cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên tiểu học, trung học ở nhiều địa phương ở 63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, hạn chế về kỹ năng của giáo viên vẫn là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng dạy học trực tuyến. Vấn đề này cũng được đại biểu Quốc hội đưa ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo hôm 11/11.
Từng tham gia tập huấn dạy online cho nhiều giáo viên, thạc sĩ Nguyễn Thị Phương, giảng viên khoa Công nghệ thông tin - Giáo dục nghề nghiệp, Cao đẳng Sư phạm Trung ương, cho biết, các giáo viên ngoài 40 tuổi, ít được tiếp xúc với công nghệ thường xuyên gặp khó khi dạy trực tuyến. Họ cũng không rành tiếng Anh, không thành thạo việc tra cứu, nên không biết tự khắc phục các vấn đề kỹ thuật dù rất nhỏ.
Thạc sĩ Phương nhận định, bên cạnh các lớp đào tạo, để làm chủ công nghệ, người dùng phải tự tiếp cận và thay đổi. Người hướng dẫn chỉ đóng vai trò truyền động lực, kinh nghiệm.
"Tôi cũng cho rằng kỹ năng của mình vẫn còn nhiều hạn chế nên tự nhủ phải học hỏi mỗi ngày để nâng chất lượng bài giảng. Ngay cả khi không dạy trực tuyến nữa, những kỹ năng học được thời gian qua vẫn sẽ hỗ trợ tôi rất nhiều khi dạy trực tiếp", cô Hải nói.
Dương Tâm - Thanh Hằng