11h30, bữa ăn trưa bán trú của 176 học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đăk Smar bắt đầu. Ba dãy bàn được đặt ngay trước khu bán trú, mỗi mâm cơm có 10-12 em, chủ yếu học sinh tiểu học. Thực đơn hôm đó gồm hai dĩa thịt xào cải, hai dĩa cá kho, một tô canh lá ngót và hai tô cơm. Giáo viên đứng sẵn ở đó, xem hết thức ăn sẽ múc thêm cho học trò.
Ngồi lẫn trong đám đông, Đinh Thị Luyến, học sinh lớp 2 ở làng Đăk Mung mặt hớn hở, ăn ngon lành. Luyến bảo rất thích đến trường vì được ăn no, ngủ ấm, không phải đi bộ về nhà, song cô bé người Ba Na không biết rằng, bữa cơm mình ăn nhiều ngày qua đều được san sẻ từ các bạn trong trường. Chế độ ăn ở bán trú của Luyến và 25 đứa trẻ tiểu học dưới mái trường này đã bị "cắt".
"Thương và lo lắng học sinh bỏ học vì không còn được hỗ trợ, trước mắt nhà trường buộc phải chọn cách này để giữ chân các em", thầy Nguyễn Thế Anh, Hiệu trưởng nhà trường nói và cho biết, về lâu dài sẽ tăng gia sản xuất, tìm nguồn hỗ trợ khác.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đăk Smar nằm cách trung tâm huyện Kbang hơn 30 km, điều kiện đi lại khó khăn. Cả trường có gần 300 học sinh, trong đó chủ yếu là người đồng bào Ba Na, nhiều gia đình còn là hộ nghèo, cận nghèo.
Những năm học trước, xã Đăk Smar là vùng đặc biệt khó khăn. Làng Đăk Mung và Krối nằm cách trường trên 3 km nên học sinh nơi đây đủ điều kiện hỗ trợ tiền ăn ở bán trú, theo Nghị định 116. Mỗi tháng các em được hưởng gần 600.000 đồng tiền ăn, 15 kg gạo và nhiều ưu tiên khác.
Từ nguồn hỗ trợ này, các giáo viên trong trường trồng thêm rau củ, nuôi lợn và kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ để lo ăn ở nội trú cho gần 200 học sinh. Nhờ vậy mà những học kỳ qua, sĩ số tương đối đầy đủ, giáo viên đỡ vất vả vào tận buôn làng vận động, "bắt" học trò ra lớp.
Tuy nhiên, năm nay mọi thứ thay đổi. Địa phương hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, từ vùng III nâng lên vùng II, 26 học sinh Tiểu học ở làng Đăk Mung không còn được thụ hưởng chính sách này. Riêng thôn Krối vẫn thuộc diện "đặc biệt khó khăn" nên 150 em ở ngôi làng này năm nay vẫn được hỗ trợ bán trú.
Tương tự, 138 em học sinh Tiểu học, THCS ở làng Đăk Pót, xã Krong cũng bị ảnh hưởng. Hai tuần nay, Đinh Hợi (lớp 9, trường PTDT bán trú THCS Krong) và em gái Đinh Thị Tuyết (lớp 3, trường PTDT bán trú Tiểu học Lê Văn Tám) được ăn ở tại trường. Nhưng chỉ Hợi biết, những bữa ăn thời gian qua được bạn bè san sẻ. Hợi buồn và không muốn đến trường nữa.
Ngôi làng nơi Hợi sinh sống, cách trường hơn 10 km. Cứ thứ hai đầu tuần, khi bố mẹ còn ở trên nương, Hợi và em gái tự đi bộ đến lớp. Cuối tuần thỉnh thoảng hai anh em được bố đón về bằng xe máy.
Anh Đinh Đăm, 29 tuổi, bảo nếu chính quyền không còn hỗ trợ tiền ăn ở bán trú cho hai con, gia đình đành cho các em ở nhà, theo bố mẹ lên nương, chứ nhà nghèo chẳng có tiền lo cho con ăn học. "Vừa rồi vào năm học, vợ chồng phải vay mượn sắm cho nó hai bộ quần áo mới", anh Đăm kể.
Năm học 2021-2022, toàn huyện Kbang có 558 học sinh các trường bán trú không được nhận trợ cấp theo diện xã, thôn đặc biệt khó khăn như mọi năm. "Huyện đã đề xuất, kiến nghị lên tỉnh tạo nguồn kinh phí, đồng thời nghiên cứu tìm nguồn hỗ trợ nhằm đảm bảo việc dạy và học của các em không bị gián đoạn", ông Y Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Kbang, nói và cho biết, ngoài học sinh, chế độ, quyền lợi của 126 giáo viên trên địa bàn cũng bị tác động.
Ngoài huyện Kbang, nhiều địa phương ở Gia Lai cũng bị ảnh hưởng khi các thôn xã chuyển đổi vùng, trong đó, huyện Kong Chro có trên 1.000 học sinh, giáo viên. Chính quyền Gia Lai đang tổng hợp số liệu, tìm phương án hỗ trợ trong thời gian tới.
Trần Hoá