Chính sách do Bộ Giáo dục Hàn Quốc vừa công bố sẽ được áp dụng từ tháng 9 cả ở cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Giáo viên có thể xin phép hiệu trưởng để đưa ra hình phạt với học sinh không tuân thủ hướng dẫn.
Trước đây, giáo viên bị cấm đưa ra các hình phạt cho học sinh. Nhưng từ giờ, trong trường hợp khẩn cấp như học sinh có hành vi đe dọa thể chất, khi các biện pháp bằng lời nói không có tác dụng, giáo viên được phép dùng hình phạt thể chất. Mỗi trường được tự xây dựng nội quy riêng để thực hiện chính sách mới.
"Quyền của học sinh đã được đề cao quá mức. Điều này khiến quyền của giáo viên bị giảm đi và các hoạt động giảng dạy của họ không được tôn trọng", Bộ trưởng Bộ Giáo dục Lee Ju-ho nói. Ông cũng cho rằng giáo viên gặp khó khăn trong việc ngăn học sinh sử dụng điện thoại trong lớp, khiến quyền được học tập của các học sinh khác bị ảnh hưởng.
Chính sách mới được đưa ra sau vụ tự tử của một giáo viên tiểu học 23 tuổi ở Seoul. Cô được cho là đã bị một phụ huynh gây áp lực trong nhiều tháng liên tục. Con gái của phụ huynh này, một học sinh lớp một, cũng bị cho là thủ phạm bắt nạt ở trường.
Ngay trước đó, một cô giáo khác ở Seoul bị một nam sinh lớp 6 tấn công, phải nhập viện. Cô giáo được chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương vì cha mẹ học sinh đó cho rằng cô phải chịu trách nhiệm.
Hai vụ việc này khiến giáo viên trên toàn quốc phẫn nộ, phơi bày thực tế đen tối tại các trường công lập, nơi quyền hạn của giáo viên không còn được tôn trọng.
Các nhà giáo dục yêu cầu bảo vệ quyền của giáo viên để họ có thể quản lý lớp học hiệu quả, kỷ luật học sinh một cách thích đáng và đối phó với những phụ huynh quá đáng.

Giáo viên thu điện thoại di động của học sinh trong giờ học ở Hàn Quốc. Ảnh: The Wall Street Journal
Theo chính sách mới, nếu có ý kiến về phương pháp giảng dạy của giáo viên, học sinh hoặc phụ huynh sẽ phải làm việc với người đứng đầu nhà trường, thay vì giải quyết trực tiếp.
Giáo viên và phụ huynh có thể yêu cầu họp với nhau và hai bên phải đáp ứng việc này. Tuy nhiên, cuộc họp phải diễn ra trong giờ làm việc của giáo viên và phải được lên lịch trước. Giáo viên có thể dừng cuộc họp ngay lập tức nếu bị lăng mạ, đe dọa, hoặc bị hành hung.
Giáo viên có quyền khuyên phụ huynh đưa con đi tư vấn hoặc điều trị nếu họ cho điều đó là cần thiết với sự phát triển của học sinh. Ngoài ra, hiệu trưởng trường mầm non được thiết lập các quy tắc về nhiệm vụ và trách nhiệm của giáo viên, cũng như cách tổ chức cuộc họp giữa phụ huynh - giáo viên và xử lý mọi hành vi vi phạm. Các quy tắc này sẽ được gửi đến người giám hộ của trẻ và phải được họ đồng ý trước khi áp dụng.
Nếu được thông qua, trường mẫu giáo có thể đuổi học hoặc đình chỉ học với học sinh vi phạm. Phụ huynh cũng có thể bị yêu cầu đi học các khóa làm cha mẹ hoặc đi tư vấn.
Nghề giáo từng được coi là "công việc được tôn trọng cả đời" ở Hàn Quốc, nhưng đang trở thành cơn ác mộng với nhiều giáo viên.
Ngoài việc phải đối phó với các học sinh ngỗ nghịch, giáo viên đôi khi bị cha mẹ học sinh khiếu nại hoặc kiện cáo nếu la mắng con cái họ. Trong hầu hết trường hợp, giáo viên phải xin lỗi phụ huynh và học sinh, đồng thời cố gắng giảm tiếp xúc với học sinh nhiều nhất có thể.
Theo Ủy ban Giáo dục của Quốc hội, từ tháng 3 năm ngoái đến tháng 4 năm nay, khoảng 590 giáo viên có kinh nghiệm dưới 5 năm đã rời ngành, tăng gần hai lần so với năm 2021. Nguyên nhân phổ biến là bị phụ huynh khiếu nại và buộc tội ngược đãi cảm xúc con em họ.
Khánh Linh (Theo The Straits Times)