Sáng 8/6, gần 106.000 thí sinh Hà Nội hoàn thành bài thi Văn - môn đầu tiên trong kỳ thi vào lớp 10. Đề Văn gồm hai phần, lần lượt 6,5 và 3,5 điểm.
Phần I với 8 câu thơ trong bài Đồng chí của Chính Hữu, hỏi học sinh về thể thơ, những cặp hình ảnh tương ứng tạo nên sự sóng đôi, giá trị biểu đạt của từ "đôi" trong câu "Anh với tôi đôi người xa lạ".
Ngoài ra, thí sinh phải viết một đoạn văn 15 câu làm rõ hình ảnh người lính, dùng phép lập luận quy nạp và các thành phần tình thái, thán từ.
Phần II đưa ra một trích đoạn trong tác phẩm Dám bị ghét của Kishimi Ichiro và Koga Fumitake, hỏi học sinh "có ích kỷ không nếu chúng ta không sống để đáp ứng mong đợi của người khác". Các em còn cần viết một đoạn văn với chủ đề: Nên ứng xử thế nào trước mong đợi của những người thân yêu.
Cô Bùi Thị Thanh Hương, trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình, đánh giá đề thi cơ bản, gần gũi và giàu giá trị nhân văn. Đề có khoảng 70% câu hỏi nhận biết, thông hiểu, song vẫn đảm bảo tính phân hóa, nằm ở yêu cầu viết đoạn văn.
Cụ thể, để phân tích hình ảnh người lính trong 8 câu thơ, thí sinh không thể trả lời chung chung, mà cần xác định rõ các phẩm chất để đưa vào luận điểm, gồm tình cảm đồng chí, đồng đội sâu sắc; tư thế dung dung, chủ động, lòng dũng cảm; ý chí của người chiến sĩ cách mạng kết hợp với tâm hồn lãng mạn rất thi sĩ.
Nội dung phân hóa thứ hai, theo cô Hương, là câu hỏi nghị luận xã hội.
"Ứng xử thế nào trước mong đợi của người thân là vấn đề gần gũi, nhưng đòi hỏi thí sinh nêu được quan điểm và hành động phù hợp với đặc điểm và hoàn cảnh", cô nói.
Vì thế, cô Hương cho rằng đề năm nay khó hơn năm ngoái một chút. Phổ điểm vẫn khoảng 7-8, nhưng mức 7-7,5 có thể nhiều hơn.
Đồng tình, song cô Dương Thùy Linh, phụ trách môn Ngữ văn hệ THCS, trường M.V.Lômônôxốp và cô Nguyễn Lệ Quyên, giáo viên hệ thống Tuyensinh247, dự đoán mức điểm nhiều thí sinh đạt được là 6,5-7.
Cả hai cho rằng câu hỏi nghị luận xã hội có độ mở cao, có thể phát huy tư duy phản biện của học sinh. Còn đề nghị luận văn học quen thuộc nhưng cần xác định rõ nội dung nghị luận mới có thể lấy hết điểm. Ngoài việc cảm nhận những khía cạnh của hình tượng người lính, các em cần phân tích được cách miêu tả, chọn lọc chi tiết vừa chân thực, vừa có sức gợi cao của nhà thơ.
"Với đề này, phổ điểm trung bình khoảng 6,5-7. Điểm từ 8 trở lên sẽ thuộc về những bài viết cẩn thận, khai thác hết ý nghĩa của các tín hiệu nghệ thuật trong phần nghị luận văn học; bày tỏ được ý kiến đa chiều, sâu sắc ở nghị luận xã hội", cô Linh đúc kết.
Những năm trước, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không công bố phổ điểm các môn thi. Song theo nhiều giáo viên, mức điểm phổ biến với môn Văn là 7.
Chiều nay, thí sinh làm bài thi Ngoại ngữ trong 60 phút, sáng mai thi môn Toán (120 phút). Thí sinh có nguyện vọng vào hệ chuyên thi thêm ngày 10/6.
Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết 127 trường THPT công lập (gồm cả trường chuyên, trường tự chủ) sẽ tuyển 81.000 em. Điểm thi được công bố chậm nhất vào ngày 2/7, điểm chuẩn sau đó 4-7 ngày.
Thanh Hằng - Dương Tâm