Tôi là giảng viên sư phạm Vật lý, từng học thạc sĩ Vật lý, dạng nghiên cứu thực nghiệm tại một trường đại học danh giá của Australia. Vừa rồi bé hàng xóm gặp rắc rối với cách vẽ đồ thị nhiệt độ theo thời gian từ số liệu thực nghiệm trong thí nghiệm về sự chuyển thể của chất nên tôi hướng dẫn bé.
Sau khi bé đã chấm và dóng hết các điểm đồ thị, bé hỏi tại sao các điểm không nằm trên các đường thẳng như dạng đồ thị mẫu trong sách giáo khoa, nếu nối các điểm đã vẽ lại sẽ có dạng đồ thị cong, gãy khúc? Tôi bảo bé tìm dạng đồ thị nào phù hợp nhất mà đi qua hoặc gần qua được hầu hết điểm, bởi vì thực nghiệm luôn có sai số.
Bé đã dóng các đường thẳng theo dạng của sách giáo khoa, đi qua và gần qua các điểm chứ không nối từng điểm lại với nhau. Kết quả, cô giáo cho bé 0 điểm, bảo rằng phải nối từng điểm lại với nhau mới đúng! Thậm chí, đoạn cao nhất của đồ thị các điểm đã gần sát nối với nhau thành đường thẳng, cô giáo vẫn bắt phải nối ziczac các điểm lại với nhau.
Tôi vô cùng bất mãn và đau lòng với cách dạy học và chấm điểm học sinh như vậy. Giáo viên phải là "người học" và "chịu học" trước khi dạy. Học sinh trả lời khác so với mình thì phải kiểm tra xem các em ấy có suy luận hợp lý không chứ đừng mạnh tay cho 0 điểm kiểu này.
Vì thực sự là đồ thị thực nghiệm không phải nối điểm lại mà phải vẽ xuyên qua các ô sai số, thậm chí có một vài số liệu nhiễu sẽ nằm lệch hẳn bên ngoài do sai số ngẫu nhiên, nếu cần phải biết "lọc nhiễu"!
Thậm chí, nếu phân bố thang điểm trong "giới hạn kiến thức" của cô giáo, nếu giáo viên "có tâm" thì ít nhất bé phải nhận được các điểm sau:
1) Điểm vẽ đúng các điểm số liệu trên đồ thị;
2) Điểm vẽ đúng đoạn đồ thị trong lúc quá trình chuyển thể đang diễn ra, với đồ thị đi ngang.
Tôi có hỏi bé "Con có muốn cô đối chất với cô giáo của con không? Cô có đủ bằng chứng và cơ sở để cãi thắng, tuy nhiên hậu quả có thể là việc cô giáo của con sẽ ghét con vô cùng...". Bé không thể quyết định được vì còn quá non nớt. Xin mọi người cho lời khuyên giúp ạ!
Đỗ Thị Phương Thảo
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn tại đây