Theo thầy Hùng, cách ra đề, kiểm tra phải nhằm sử dụng kết quả làm tham chiếu cho việc đánh giá kết quả học tập của học sinh. Việc biên soạn đề thi cần tuân thủ các bước theo công văn 8773 năm 2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cụ thể cần xác định mục đích của đề, hình thức đề và thiết lập ma trận đề.
Đề thi học kỳ cũng cần tuân thủ nguyên tắc trên, đặc biệt chú ý vào mục đích, tránh đề quá khó dẫn đến phổ điểm quá thấp và phải thi lại bởi sẽ ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh, học sinh. Mức độ đề nên căn cứ vào năng lực học tập chung của phạm vi đơn vị ra đề (trường hay Phòng Giáo dục và Đào tạo).
Riêng với lớp 9, đề thi học kỳ nên bám vào mô típ, cấu trúc của các đề tuyển sinh đầu vào THPT nhằm giúp các em quen dần với hình thức cũng như mức độ đề thi, tạo ra cơ hội để các em tập dượt trước kỳ thi quan trọng.
Thầy Hùng đánh giá đề thi học kỳ I lớp 9 hôm 12/12 đảm bảo nội dung kiến thức phù hợp trong phạm vi chương trình kỳ I lớp 9, cấu trúc khá tốt, tương tự các đề tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội trong những năm gần đây. Tuy nhiên, đề có nhiều điểm chưa phù hợp.
"Số lượng ý còn nhiều khiến đề hơi dài. Người ra đề hoàn toàn có thể lược bớt một số ý mà vẫn đảm bảo về mặt nội dung, kiến thức, cũng như đủ để đánh giá, phân loại học sinh", thầy Hùng nói.

Đề thi học kỳ I môn Toán hôm 12/12 của quận Thanh Xuân. Ảnh: Tuyensinh247
Giáo viên trường chuyên này lấy ví dụ ý 2 bài 1 mục đích là kiểm tra kiến thức về liên hệ giữa phép nhân và phép khai phương, sử dụng nó để giải phương trình vô tỷ. Tuy nhiên, số liệu trong đề bài không được đẹp dẫn đến nghiệm xấu, gây tâm lý hoang mang cho học sinh vì thông thường các em được ôn luyện những bài toán tương tự với số liệu đẹp hơn. Học sinh sẽ mất nhiều thời gian ở câu này để tính đi tính lại vì không dám chắc là mình làm đúng hay sai.
Bài 5 đề yêu cầu tìm giá trị lớn nhất của T. Người lớn hoàn toàn chứng minh được là không tồn tại giá trị lớn nhất của T, nhưng với học sinh THCS, đề ra như vậy làm nhiều em mặc định rằng tồn tại và việc chưa tìm ra đáp số có nghĩa là chưa giải quyết được bài này nên cứ cố làm. Chưa kể, bất đẳng thức cực trị là nội dung gây nhiều thích thú đối với học sinh. Vì vậy, nhiều em sẽ làm câu này trước câu hình, bị quá sa đà dẫn đến không cần bằng được thời gian. Điều này lý giải việc sẽ có một số em học sinh giỏi cũng bị điểm thấp.
Thầy Hùng cho rằng đề bài nên yêu cầu "Tìm giá trị nhỏ nhất của T" hoặc hỏi "Biểu thức sau đây có tồn tại giá trị lớn nhất hay không? Vì sao? Nếu có, giá trị lớn nhất của T là bao nhiêu"?
Từ phân tích trên, thầy Hùng nhận định đề thi ngày 12/12 của quận Thanh Xuân gây khó khăn trong việc phân loại, đánh giá học sinh.
TS Nguyễn Sơn Hà, thành viên Ban soạn thảo chương trình phổ thông môn Toán 2018, giáo viên trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết một đề thi thông thường cần đánh giá bốn mức độ. Mức 1 là nhận biết, nhắc lại; mức 2 hiểu, trình bày, giải thích được kiến thức theo cách hiểu của cá nhân; mức 3 vận dụng giải quyết những vấn đề quen thuộc, tương tự trong học tập, cuộc sống; mức 4 là vận dụng giải quyết vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi trong học tập, cuộc sống một cách linh hoạt, hợp lý.
Tuy nhiên, đề thi học kỳ môn Toán lớp 9 của quận Thanh Xuân không có câu hỏi đánh giá ở mức 1, phần lớn ở mức 3 hoặc 4. Đề thi có quá nhiều biểu thức chứa căn, tham số, nhiều yêu cầu liên quan đến lớn nhất, tỷ số lượng giác, nhiều từ không dễ với học sinh THCS (ví dụ điểm di chuyển, hằng số). Phần lớn câu hỏi đều khó hoặc phức tạp đối với học sinh lớp 9.
"Những người làm đề khó và phức tạp như vậy đối với một kỳ thi dành cho đa số học sinh không chuyên Toán đã vô tình giết chết niềm tin của các em đối với việc học Toán", thầy Hà nói và mong muốn các chuyên viên phụ trách chuyên môn tại các cơ sở giáo dục cần được tập huấn kỹ về kiểm tra đánh giá, đáp ứng yêu cầu của chương trình phổ thông mới. Những người không hiểu kỹ về yêu cầu cần đạt cốt lõi đối với từng lớp thì không nên nhận lời làm đề thi.
Trước đó ngày 12/12, học sinh lớp 9 toàn quận Thanh Xuân làm bài thi học kỳ 1 môn Toán. Kết quả 70% học sinh bị điểm dưới trung bình nên Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân phải tổ chức cho các em thi lại vào ngày 17/12.
Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân, cho biết đề thi không có lỗi nhưng chuyên viên ra đề theo hướng nhằm nâng cao chất lượng, chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh lớp 10. Do chưa được làm quen và thực hành nhuần nhuyễn, học sinh lúng túng dẫn đến làm bài không tốt.
"Đây là sự cố đáng tiếc. Phòng sẽ chú ý và sát sao hơn, tập huấn kịp thời cho giáo viên về cách ra đề mới", ông Hữu nói.