Kiến thức mới và khó trong chương trình Tiếng Anh 8
Trọng tâm kiến thức Tiếng Anh 8 gồm ba vấn đề chính: Các thì (Tenses), ngữ pháp (Grammar) và một số động từ (Verbs) quan trọng.
Trong phần học về các thì (Tenses), có 2 thì học sinh sẽ được học mới hoàn toàn đó là thì quá khứ tiếp diễn (Past continuous tense) và thì quá khứ hoàn thành (Past perfect tense).
Dấu hiệu nhận biết của thì quá khứ tiếp diễn là động từ "to be" ở dạng quá khứ (was - were) đi kèm với động từ chia ở dạng V-ing và có mốc thời gian xác định trong quá khứ. Ngoài việc diễn tả một hành động đang diễn ra tại một thời điểm trong quá khứ, thì quá khứ tiếp diễn còn được sử dụng để diễn tả một hành động đang xảy ra thì hành động khác xen vào. Ví dụ: While my Mom cooked the dinner, I was doing my homework. Ở phần này, cô Thu Hà lưu ý học sinh lựa chọn động từ "to be" ở thì quá khứ cho phù hợp với chủ ngữ.
Bên cạnh các thì, học sinh sẽ được tiếp xúc với những kiến thức quan trọng khác về ngữ pháp như: So sánh của trạng từ (Comparison of Adverbs); Câu phức (Complex sentence), Câu điều kiện loại 1 và 2 (Conditional Sentence type 1 & 2); Câu tường thuật (Reported Speech).
Đối với dạng so sánh của trạng từ (Comparison of adverbs), đặc điểm nổi bật là được sử dụng nhiều trong dạng câu nhắc ai đó làm cái gì, mang tính chất thúc đẩy. Ví dụ: Can you speak more slowly? My English is not good.
Tiếp đến là phần ngữ pháp về câu tường thuật (Reported Speech), cô Lê Thu Hà cho biết đây là phần kiến thức mới hoàn toàn so với các lớp dưới. Phần kiến thức này tương đối khó, có nhiều mảng nhỏ và thường xuất hiện trong các đề thi. Tuy nhiên, trong phạm vi chương trình Tiếng Anh 8, học sinh chỉ nghiên cứu 2 đến 3 dạng cơ bản của câu tường thuật. Có 4 bước cơ bản để chuyển từ câu trực tiếp sang câu tường thuật bao gồm: chọn từ tường thuật said, told,..; "lùi thì" động từ trong câu trực tiếp về quá khứ; đổi các đại từ và tính từ sở hữu cho phù hợp và đổi các từ chỉ nơi chốn, thời gian.
Một dạng ngữ pháp khác có độ khó không kém mà học sinh sẽ được gặp là câu phức(Complex sentence). Đây là loại câu bao gồm nhiều thành phần hơn so với câu ghép. Thành phần của một câu phức sẽ có 1 vế chính nêu lên vấn đề cốt lõi của câu và theo sau là nhiều vế phụ thuộc. Ví dụ: I like reading; therefore, I spend a lot of money on books.
Cuối cùng là ngữ pháp về câu điều kiện (Conditional Sentences). Ở chương trình lớp 8, có hai dạng câu điều kiện học sinh sẽ được học là câu điều kiện loại 1 và câu điều kiện loại 2. Trong đó, câu điều kiện loại 1 là câu điều kiện có thật trong hiện tại và tương lai. Công thức chung là vế điều kiện ở thì hiện tại đơn, vế kết quả ở thì tương lai đơn. Câu điều kiện loại 2 là câu điều kiện không có thật. Cấu trúc chung là về điều kiện ở thì quá khứ đơn, vế kết quả sử dụng would/should/could đi kèm với động từ nguyên mẫu. Điểm đặc biệt trong câu điều kiện không có thật là tất cả các chủ ngữ đều dùng động từ "to be" ở dạng "were". Đây là phần ngữ pháp quan trọng, bổ trợ nhiều cho học sinh khi viết văn trong Tiếng Anh.
"Hai dạng câu điều kiện này không quá khó nhưng rất dễ gây nhầm lẫn. Để học tốt kiến thức này, học sinh cần thuộc lòng ngữ pháp câu sau đó áp dụng vào từng tình huống câu thì mới có thể làm đúng được", cô Hà Thu chia sẻ.
Ngoài ra còn một số kiến thức khác trong chương trình Tiếng Anh 8 mà học sinh cần lưu ý, bao gồm: Các động từ mà đi kèm nó là "to V-Infinitive" hoặc "V-ing"; Cách dùng của một số động từ khiếm khuyết (Have to/should/may/might) theo sau là động từ nguyên thể với nghĩa khác nhau.
Các dạng bài tập cơ bản và những lỗi sai thường gặp
Cô Lê Hà Thu đã hệ thống một số dạng bài tập cơ bản của môn Tiếng Anh 8 để học sinh có định hướng học tập sau đây:
Phonic: Là dạng bài tìm từ khác so với những từ còn lại về cách phát âm, trọng âm hoặc từ loại.
Vocab: Là dạng bài cho dạng đúng của từ loại.
Để học tốt hai dạng bài về từ vựng này, bắt buộc học sinh phải học kỹ từ vựng. Trong quá trình học từ vựng cần học nghĩa, phần phiên âm để biết cách phát âm và nắm được loại từ.
"Verbs tenses" hoặc "word form": Là dạng bài chia thì hoặc các loại từ. Đây là dạng bài phổ biến, thường xuất hiện trong các đề kiểm tra.
"Correct the mistake": Là dạng bài tìm lỗi sai. Đối với dạng bài này, để làm được học sinh bắt buộc phải nắm được ngữ pháp và từ vựng.
"Choose the right answer": Là dạng bài chọn câu trả lời đúng. Thường đề bài sẽ cho 3 - 4 đáp án với mỗi câu hỏi. Trước tiên có thể áp dụng phương pháp loại trừ. Những đáp án có từ lạ, cấu trúc khó hiểu thì có thể lược bỏ đi.
"Complete the sentences" hoặc "rewrite the sentences: Thường phổ biến 2 dạng, dạng thứ nhất là cho từ có sẵn và viết thành câu hoàn chỉnh, có thể thêm bớt từ cho hợp lí. Dạng này sẽ liên quan đến một số câu đặc biệt như câu tường thuật, câu bị động... hoặc một số cấu trúc câu cố định. Dạng thứ 2 là viết lại câu sao cho nghĩa không thay đổi.
"Choose the suitable word": Với dạng bài này, thường các từ cần điền sẽ nằm trong nhóm các từ cơ bản. Nắm được đủ 80% lượng từ cơ bản có thể làm được bài.
"Reading": Có 2 dạng cơ bản, dạng 1 là đọc và kiểm tra thông tin trong bài đúng hay sai, dạng 2 là đọc và trả lời câu hỏi. Với dạng bài này khi đọc học sinh cần gạch chân các từ khoá, sau đó, xem vấn đề được nói đến ở dạng phủ định hay khẳng định thì sẽ làm được dạng bài kiểm tra thông tin đúng hay sai. Riêng với dạng đọc và trả lời câu hỏi, học sinh cần dựa vào câu hỏi và lọc thông tin. Muốn làm tốt dạng bài này, cần đọc nhiều để tích lũy vốn từ.
"Đây là những dạng bài tập cơ bản, chắc chắn sẽ xuất hiện trong đề thi, đề kiểm tra. Các bạn cần phải ôn luyện hàng ngày, hàng tuần theo lịch trình đã đề ra thì mới có thể đạt kết quả tốt", cô Thu Hà cho biết.
Đồng thời, cô Hà cũng chỉ ra những lỗi sai học sinh thường mắc trong quá trình làm bài tập để các em rút kinh nghiệm. Đó là các lỗi về chia động từ chưa phù hợp với chủ ngữ, nhầm lẫn giữa tính từ, trạng từ hoặc từ loại, sai giới từ, mạo từ, ngoài ra còn các lỗi sai về viết hoa, nhầm lẫn giữa danh từ đếm được và không đếm được. Ở dạng viết văn, nhiều học sinh thường mắc lỗi bài viết lủng củng, ít từ vựng, không đa dạng ngữ pháp.
Để khắc phục học sinh cần nắm chắc kiến thức ngữ pháp, thường xuyên trau dồi để tăng vốn từ vựng. Đồng thời, các em cần chăm chỉ làm các bài tập để biết và sửa các lỗi sai. Riêng với dạng bài viết, trước khi viết học sinh nên gạch đầu dòng các ý muốn triển khai để bài viết trở nên mạch lạc, dễ hiểu.
(Nguồn: HOCMAI)