Ở xứ sở mặt trời mọc, học sinh cấp 1 và 2 hầu như không học thêm, thay vào đó, tham gia câu lạc bộ ngoài giờ. Với học sinh cấp 2 là các câu lạc bộ năng khiếu, còn cấp 1 là những lớp mang tính chất giữ trẻ (thường gọi là gakudo). Tại các gakudo, thầy cô giáo không dạy thêm kiến thức hay hướng dẫn làm bài tập về nhà mà để các em tự học, tự chơi và ăn nhẹ. Gakudo hành thành do học sinh tan học vào 15h, lúc bố mẹ chưa tan giờ làm.
Anh An Nam, nhân viên tại một trường Nhật ngữ ở Nhật Bản, cho con trai mình tham gia lớp gakudo. Tuy nhiên, anh cho biết việc học sinh có được đi học những lớp này không là do chính quyền địa phương quyết định, phụ huynh không can thiệp được. Cụ thể, nếu bố hoặc mẹ không xác minh được là đang đi làm toàn phần (làm cả ngày và suốt tuần) thì học sinh đó phải về nhà sau khi tan trường.
Chính quyền địa phương hoặc tổ chức phụ huynh lập ra các cơ sở gakudo trên địa bàn. Quản lý học sinh ở gakudo thường là giáo viên đã về hưu, những người làm việc liên quan đến giáo dục hoặc có kinh nghiệm chăm sóc trẻ em tiểu học.
“Ngoài tự làm bài tập, học sinh có thể làm đồ chơi, chơi cờ hoặc đánh bóng bàn. Những lớp học kiểu này giúp các em tự khám phá thế giới xung quanh và giao lưu với bạn bè một cách lành mạnh. Phụ huynh thường yên tâm khi cho con đến các gakudo sau giờ học chính khóa”, anh Nam nói thêm.
Học sinh tiểu học Nhật Bản được rèn luyện tính tự lập từ sớm. Con trai anh Nam ra khỏi nhà từ 7h40 và tự đi bộ tới trường, vào lớp lúc 8h. Những học sinh khác cũng đi bộ hoặc tàu điện, hiếm khi có phụ huynh đưa đón.
Áp lực học tập thường chỉ bắt đầu xuất hiện ở học sinh cuối cấp 2 muốn đạt kết quả tốt trong kỳ thi vượt cấp và học sinh cấp 3 với nhu cầu thi đỗ trường đại học quốc lập. Thông thường, trong kỳ nghỉ hè, học sinh có thể đóng thêm tiền để tham gia học ngoài giờ ngay tại trường, tuy nhiên thầy cô giáo không nhận được khoản tiền trực tiếp nào từ hoạt động này. Đây là trách nhiệm của giáo viên trong sự nghiệp giáo dục của mình. Họ là người của Nhà nước, được thành phố thuê để làm việc chứ không phải nhân lực riêng của nhà trường.
Ngoài ra, các trung tâm dạy thêm (thường gọi là juku hoặc cram school) cũng là lựa chọn của nhiều học sinh trong giai đoạn nước rút. Mục đích chính của học sinh Nhật Bản khi học thêm là chuẩn bị cho kỳ thi đại học, do đó kiến thức ở các lớp học này khá nặng. Giáo viên ở các trường chính quy bị cấm dạy thêm, họ cũng rất bận rộn với công việc ở trường, hầu như không có thời gian để làm việc khác. Chỉ có giáo viên dạy hợp đồng được phép gia nhập đội ngũ giảng dạy ở juku. Sinh viên thành tích tốt cũng có thể đứng lớp luyện thi cho học sinh.
Điều kiện để làm giáo viên tại Nhật Bản là phải thi lấy được bằng giáo viên, không nhất thiết phải tốt nghiệp ngành sư phạm. Những người dạy ở trung tâm không cần bằng cấp này, miễn có khả năng truyền tải kiến thức tốt là có thể tham gia giảng dạy. Nhiều giáo viên về hưu hoặc đang dạy ở trường chuyển sang làm giáo viên dạy thêm ở trung tâm.
Dịch giả của một số sách giáo dục Nhật Bản tại Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu 11 năm sinh sống tại xứ Phù Tang cho rằng, do giáo viên dạy thêm không phải là người trực tiếp giảng dạy học sinh nên tình trạng tiêu cực khó xảy ra. “Giáo viên ở Nhật không có tư duy cho bài trước để học sinh trúng tủ khi lên lớp. Dạy ở đây hoàn toàn không phải dạy sao chép hay đối phó với bài vở”.
Cũng theo nữ tiến sĩ này, học sinh Việt Nam có nhu cầu được nâng cao kiến thức, ôn thi chuyển cấp. Do vậy, chuyện cấm dạy thêm là chưa hợp tình, hợp lý. Thay vào đó, Việt Nam có thể học hỏi cách quản lý của Nhật Bản, đặt hệ thống dạy thêm độc lập và song song với hệ thống trường học, bổ trợ lẫn nhau.
Một khác biệt đáng kể là giáo viên ở Nhật Bản ít có áp lực về lương như ở Việt Nam. Những giáo viên nổi tiếng ở juku thường nhận được mức lương rất cao. Đối với giáo viên biên chế, tuy không được phép dạy thêm nhưng thu nhập của họ không thấp, đủ để làm chủ được cuộc sống. Chế độ bảo hiểm của giáo viên hoặc cảnh sát, lính cứu hỏa… cũng tốt hơn những người bình thường, họ nhận được nhiều đãi ngộ hợp lý khi về hưu.
Phiêu Linh