Đại diện Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, ngày 17/3, sau khi sinh viên báo cáo với nhà trường về việc một trang trong cuốn giáo trình dùng cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc có bản đồ "đường lưỡi bò", trường đã xác minh.
Kết quả cho thấy trang 70 của cuốn Advanced Listening Course, Developing Chinese do Nhà xuất bản Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh xuất bản năm 2016 có bản đồ này. Tháng 12/2019, giảng viên bộ môn Ngôn ngữ Trung Quốc đã giới thiệu tài liệu để lựa chọn làm giáo trình cho môn học Kỹ năng nghe tiếng Trung Quốc.
Đại học Công nghiệp Hà Nội đã thu hồi toàn bộ 109 cuốn giáo trình ngành Ngôn ngữ Trung Quốc đang sử dụng để niêm phong và tiêu hủy. Hội đồng chuyên môn các cấp đang làm thủ tục lựa chọn, thẩm định thay thế giáo trình khác.
Cũng trong chiều 17/3, nhà trường đã họp các đơn vị, cá nhân liên quan để rà soát toàn bộ quy trình lựa chọn, thẩm định và sử dụng giáo trình. Kết quả cho thấy trường đã có đầy đủ quy định, thủ tục liên quan đến đề xuất lựa chọn, thẩm định và sử dụng giáo trình, tài liệu tham khảo cho các môn học. Tuy nhiên, khoa Ngoại ngữ chưa nghiêm túc thực hiện, dẫn đến sai sót.
Các giảng viên liên quan đến đề xuất lựa chọn, thẩm định và sử dụng giáo trình trong quá trình dạy học, gồm Trưởng Bộ môn Ngôn ngữ Trung Quốc, Trưởng khoa Ngoại ngữ đã nhận trách nhiệm và làm bản tường trình, kiểm điểm trách nhiệm gửi Hiệu trưởng. "Nhà trường sẽ tổ chức họp các hội đồng chuyên môn để xem xét, đề xuất hình thức xử lý nghiêm khắc các cá nhân, đơn vị liên quan", đại diện Đại học Công nghiệp Hà Nội khẳng định.
Thực tế hiện nay, giáo trình, tài liệu sử dụng cho các môn học trong chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Trung Quốc được xuất bản trong nước rất ít. Các trường đại học có đào tạo ngành này thường phải lựa chọn, thẩm định và sử dụng một số giáo trình do nước ngoài xuất bản.
Đại học Công nghiệp Hà Nội không phải đơn vị đầu tiên phát hiện có giáo trình "đường lưỡi bò". Vào tháng 11/2019, sinh viên Đại học Kinhh doanh và Công nghệ Hà Nội phát hiện trang 36 cuốn Đọc và trang 32 cuốn Nghe sơ cấp 1 "Developing Chinese" được sử dụng trong trường có bản đồ "đường lưỡi bò". Trường sau đó phải thu hồi và tiêu hủy hơn 1.000 cuốn.
"Đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn" do Trung Quốc ngang nhiên vạch ra, đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực đã tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò".