Năm 2011, cả thế giới xót thương vì thảm họa sóng thần của Nhật Bản. Nhưng cùng nỗi đau đớn, người ta càng thêm cảm phục người Nhật. Trong cơn đói khát, lạnh lẽo, không nhà không cửa, họ vẫn trật tự xếp hàng để chờ tới lượt nhận trợ cấp.
Chúng ta thì sao? Năm ngoái, cả nước lên án những vụ hôi của từ Nam ra Bắc, đi đâu cũng thấy bon chen, giành nhau từng vài chục centimet trên đường. Còi bấm inh ỏi, eo sèo như trong thơ Tú Xương "eo sèo mặt nước buổi đò đông".
Không có ý thức xếp hàng, người ta sẽ nghiễm nhiên cho rằng, ai mạnh người ấy thắng. Nhưng sống cá nhân như thế là hoang dã. Câu nói "muốn nhanh phải từ từ" thực ra lại không hề mâu thuẫn. Chỉ có kiên nhẫn xếp hàng, mọi thứ đi vào quy củ, thì thời gian làm việc mới được rút ngắn, có lợi cho tất cả mọi người.
Giao thông cũng như thế, nếu có ý thức chờ đợi, kiên nhẫn đứng đúng vị trí, đúng làn đường mà không lấn sang làn ngược chiều, thì không xảy ra cảnh "hai con dê qua cầu".
Phải làm gì để giải quyết vấn đề? Việc của người dân là học ý thức xếp hàng, việc của nhà nước là nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông. Bởi lẽ, vật chất quyết định ý thức, cũng rất khó hình thành ý thức xếp hàng nếu đường cứ hẹp, phương tiện cứ đi chung đường lộn xộn.
Nói thế không có nghĩa là đổ lỗi cho hạ tầng. Nếu như vậy, vì sao dù chết đói người Nhật cũng xếp hàng? Từ bây giờ, dù già hay trẻ, sớm hay muộn cũng hãy học cách xếp hàng.
Vì thà vài năm cuối đời sống trong văn minh giao thông, còn hơn cả đời vật lộn với thứ thói quen tiền sử.
Độc giả Hân Phạm