Quan điểm trên của ông Võ Quang Huệ, nguyên Tổng giám đốc Bosch Việt Nam nói tại tọa đàm "Giao thông thông minh thúc đẩy phát triển bền vững" do trường Đại học Việt Đức tổ chức sáng 15/5. Hơn 11 năm làm việc tại Bosch, ông Huệ nói tại Việt Nam công ty có hơn 4.000 kỹ sư làm việc tại trung tâm nghiên cứu triển khai, trong đó có 400 kỹ sư chuyên làm lĩnh vực xe tự hành. Ở góc độ cá nhân, ông Huệ đánh giá các bạn trẻ là kỹ sư Việt có tố chất ham học hỏi, tiến bộ nhanh. Tại trung tâm nghiên cứu triển khai của Bosch, kỹ sư Việt đang đáp ứng yêu cầu cho các hãng xe khắp thế giới do công ty chuyên cung cấp giải pháp cho ôtô.
Khi phát triển giao thông thông minh, ông Huệ cho rằng cần những sinh viên, kỹ sư được thực tập nhiều tại doanh nghiệp để phát triển kỹ năng. Nhiều năm làm việc tại Đức, ông nhìn nhận chỉ thông qua thực hành mới phát triển được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp và các mục tiêu phát triển công nghệ. Muốn làm được việc này, cần sự hợp tác mật thiết giữa đại học, doanh nghiệp và nhà nước.
Nêu câu chuyện về Đại học Việt Đức, ông Huệ mong muốn nhà trường có các kết nối chặt chẽ giữa các đại học, cơ quan, doanh nghiệp tại Đức để tăng cường cơ hội thực tập, trải nghiệm cho sinh viên ở nước ngoài. "Thời gian tới TP HCM có thể có 1 - 3 dự án lắp ráp xe điện nên nguồn nhân lực sẽ rất cần", ông Huệ nói.
Ngoài phát triển nhân lực, ông Huệ cho rằng, phía nhà nước cần có chính sách tăng cường phát triển phương tiện công cộng sử dụng năng lượng xanh. Cụ thể như TP HCM cần tăng thêm nhiều tuyến xe buýt điện thay vì chỉ một tuyến như hiện nay. Theo ông, đây là yêu cầu cần thiết để nắm bắt cơ hội phát triển giao thông theo xu thế của thế giới. Ngoài ra, nhà khoa học cần các nghiên cứu để mọi loại xe điện có thể sạc bằng nguồn điện gia đình, thay vì phải đến trạm sạc, gây khó khăn. Phía người dân cần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường do xe cá nhân gây ra, khuyến khích chuyển sang xe điện.
Ông Hoàng Phúc Dũng, Phó phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết, thực tế thành phố từng triển khai xe buýt chạy bằng nhiên liệu CNG thân thiện môi trường. Ngoài ra, Sở đang hoàn thiện đề án hạn chế xe cá nhân, tăng lượng phương tiện công cộng, trong đó có các xe sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường. Tuy nhiên theo ông Dũng, việc phát triển xe điện cần thời gian để có bộ khung pháp lý rõ ràng làm cơ sở xây dựng chính sách.
Về phát triển giao thông thông minh, ông Dũng cho biết hiện thành phố đã ứng dụng công nghệ thông tin bằng phần mềm trong việc quản lý, duy tu hạ tầng giao thông, quản lý cấp phép thi công đường bộ, xử lý phạt nguội xe vi phạm...
Theo ông Dũng việc triển khai ứng dụng công nghệ trong quản lý giao thông còn hạn chế do đội ngũ nhân lực quản lý. Họ đa phần là kỹ sư cầu đường, giao thông, kinh tế... đều tự mày mò tìm hiểu kiến thức IT phục vụ công việc. Ông cho rằng, xu hướng thời gian tới cần nhiều chuyên gia ngoài kiến thức chuyên môn còn giỏi công nghệ để phát triển các mô hình giao thông tiến bộ phục vụ phát triển đất nước.
Góp ý phát triển nhân lực, ông Phan Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Giám đốc Phát triển kinh doanh, FPT IS cho rằng, giao thông thông minh không chỉ đến từ công nghệ mà còn quy hoạch, thiết kế với việc giải quyết bài toán mang tính tổng thể. Muốn như vậy, nguồn nhân lực phải có thời gian thực tập, trải nghiệm nhiều tại doanh nghiệp. Thời gian tới, đơn vị xuất khẩu các pháp giao thông thông minh ra nước ngoài cần đội ngũ kỹ sư có trình độ cao, hướng đến thị trường lớn như Mỹ, châu Âu. "Chúng tôi luôn cần đội ngũ nhân lực cho giao thông thông minh trong tương lai", ông Sơn nói.
Hà An