Lũ đi qua để lại cảnh hoang tàn. Ảnh: Nguyễn Tiên Phong. |
Phần lớn khách bị kẹt ở Yên Bái là đi các chuyến tàu xuất phát từ Hà Nội đêm 8/8. Lũ bất ngờ khiến nhiều đoạn đường sắt qua Yên Bái và Lào Cai bị sạt lở nặng, tàu buộc dừng lại ở các ga nhỏ của Yên Bái. Hành khách sau hồi "cố thủ" trên các đoàn tàu đã phải lục tục kéo xuống nhà ga.
Ông Vũ Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Yên Bái cho biết, tối qua, bộ đội đã phải dùng xe để chở hết số hành khách ở vùng ngập lũ ra các nhà nghỉ tạm trú chờ nước rút. Hiện nếu khách muốn quay về Phú Thọ để về Hà Nội phải đi đường 70 vì quốc lộ 32C vẫn chưa thông.
"Nói là khai thông đường, nhưng đi lại vẫn rất nguy hiểm. Bởi mưa lũ lâu ngày, nước tích trên các triền núi và có thể bất ngờ sạt trượt", ông Quỳnh nói. Giám đốc Quỳnh cho hay việc khôi phục các quốc lộ, tỉnh lộ và đường liên huyện phụ thuộc vào lũ. Hiện chưa biết khi nào nước rút hết.
Nhờ đường 70 được khai thông nên 3h sáng nay, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã tới được Lào Cai. Gọi điện về Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, ông Phát cho biết, tình hình ách tắc giao thông trên quốc lộ 70 rất nghiêm trọng, nhiều phương tiện vận tải và nhiều hành khách đang bị kẹt.
Trước đó, từ chiều 9/8, ông Phát đã rời Hà Nội, theo máy bay trực thăng đến Lào Cai để chỉ đạo khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, do thời tiết xấu, đường bộ, đường sắt tắc nghẽn vì sạt lở, ngập lụt, nên suốt ngày 9-10/8, ông phải dừng chân tại Yên Bái.
Chỉ xe máy mới vượt qua quốc lộ 279 đi huyện Bắc Quang (Lào Cai). Ảnh: Nguyễn Tiên Phong. |
Nếu như đường bộ từ Hà Nội lên Lào Cai đã phần nào được khai thông thì tuyến đường sắt vẫn tắc. Tại Cổ Phúc, ga Yên Bái, cả km đường nằm sâu dưới nước lũ tới một mét. "3 ngày nữa, nước rút hết mới lộ ra nền đường, lúc đó mới biết chỗ nào sạt lở để sửa. Vì vậy phải cả tuần nữa đường sắt từ Phú Thọ lên Lào Cai mới thông", ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lào Cai, cho hay.
Chiếc đầu máy tàu LC1 bị lật nghiêng tại điểm giáp ranh Phú Thọ - Yên Bái vẫn nằm trơ giữa dòng lũ suốt từ sớm 9/8 đến nay. Sáng nay, khi lũ đã rút một phần, Công ty quản lý đường sắt Yên Lào mới chở được đá tới để bồi lấp những vị trí bị sạt lở. Tối nay, đầu tàu sẽ được kéo về ga gần nhất.
"Chúng tôi sẽ cố gắng thông tàu sớm nhất, nhưng chính xác bao giờ thì chưa thể nói được", ông Hà, Trưởng ban Quản lý cơ sở hạ tầng, Tổng công ty đường sắt Việt Nam, dè dặt.
Phải mất nhiều tháng sau mặt đường mới được tái lập như cũ. Ảnh: Nguyễn Tiên Phong. |
Trong khi các tỉnh miền núi phía bắc vẫn hối hả đối phó với khó khăn do mưa lũ thì theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, sáng nay, một áp thấp nhiệt đới đã hình thành ở biển Đông, chỉ cách bờ biển Thái Bình - Thanh Hoá khoảng 200 km về phía đông. Cường độ áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7.
Hiện, khả năng áp thấp nhiệt đới có mạnh lên thành bão và có đổ vào đất liền hay không chưa được Trung tâm đề cập. Tuy nhiên, từ chiều tối và đêm nay, các tỉnh Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa . Ngày mai, toàn Bắc Bộ sẽ mưa to. Khả năng lũ sông dâng cao, lũ quét ở các tỉnh miền núi phía Bắc là rất lớn.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương sáng nay, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với địa phương giải tỏa hết hành khách đang kẹt ở Yên Bái. Những hành khách già yếu, bị thương do mưa lũ thì được ưu tiên chở bằng máy bay trực thăng của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.
"Nếu khách yêu cầu, địa phương có thể thuê máy bay dịch vụ đến chở người già yếu, thương tật về Hà Nội. Chính phủ sẽ hỗ trợ", ông Hải nói. Phó thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh bị thiệt hại do lũ đẩy nhanh công tác tìm kiếm những người mất tích, tổ chức hỗ trợ dân vùng bị cô lập lâu ngày. Đặc biệt, các tỉnh cần chuẩn bị phương án đối phó với một đợt lũ mới có thể hình thành do ảnh hưởng của áp thấp.
Theo thống kê đến tối qua, trận mưa lũ lớn nhất trong 22 năm qua ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã làm 98 người chết, 48 người mất tích.
Nhận xét về hậu quả của đợt mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 4, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Yên Bái, ông Vũ Văn Quỳnh, nói: "Chưa bao giờ mưa lũ khiến Yên Bái bị cô lập lâu như thế". Còn Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lào Cai, ông Nguyễn Ngọc Dũng, nhận xét: "Tắc đường do mưa lũ ở miền núi là thường xuyên, nhưng hiếm có khi nào cùng một lúc, tất cả quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ bị ngập lụt và sạt lở nặng nề như hiện nay. Quá nhiều đường phải tu sửa gấp, nhưng sức người có hạn, phương tiện lại thiếu". |
Hồng Khánh
* Bạn đọc có thể chia sẻ hình ảnh, cảm xúc về sự kiện mưa lũ tại đây