Giáo sư Trần Văn Giàu sinh ngày 6/9/1911 tại tỉnh Long An (tỉnh Tân An cũ). Thuở thiếu thời, ông lên Sài Gòn theo học tại trường trung học Chasseloup Laubat rồi sang Pháp du học. Tại đây, ông tham gia những phong trào chống thực dân Pháp để bảo vệ các chiến sĩ cách mạng Việt Nam và bị bắt giam. Giữa năm 1930, ông bị trục xuất về nước và gia nhập ngay vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Cái tên Trần Văn Giàu đã gắn chặt với cuộc Cách mạng Tháng Tám ở miền Nam. Giáo sư còn là “cha đẻ” của những công trình nghiên cứu, những tác phẩm về lịch sử Việt Nam và triết học. Ông còn là người thầy đào tạo nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học hàng đầu của Việt Nam.
Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải tặng hoa Giáo sư Trần Văn Giàu. Ảnh: TTXVN |
Ông đã có một số công trình được nhà nước tặng giải thưởng, bao gồm bộ sách như: Vũ trụ quan, Duy vật lịch sử, Biện chứng pháp, Chống xâm lăng, Lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam, Miền Nam giữ vững thành đồng, Địa chỉ văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh…
Năm 2001, Giáo sư quyết định bán căn nhà của mình để hiến tặng 1.000 cây vàng cho Hội khoa học Lịch sử Việt Nam dùng làm quỹ giải thưởng cho những công trình sử học nghiên cứu về Nam Bộ.
Giáo sư Trần Văn Giàu đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý cho những cống hiến của mình với cách mạng, với đất nước, như: Huân chương Hồ Chí Minh, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Nhà giáo Nhân dân, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng…
Bước sang tuổi 100, sức khỏe của ông đã suy giảm nhiều. Dịp Tết Canh Dần, ông được đưa vào điều trị và an dưỡng tại Bệnh viện Thống Nhất. Dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam vừa qua, ông Lê Thanh Hải Bí thư Thành ủy TP HCM đã đến thăm và chúc mừng Giáo sư trên giường bệnh.
Giáo sư được Đảng, nhà nước, ngành y tế và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa nhưng do tuổi cao sức yếu đã từ trần, thọ 100 tuổi.
Vũ Mai