Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales (Australia) chia sẻ về vấn đề bổ nhiệm giáo sư ở Australia.
- Quy trình bổ nhiệm giáo sư ở Australia như thế nào, thưa ông?
- Giống nhiều nước nói tiếng Anh như Mỹ, Canada, Anh..., Australia hiện có ba cấp giáo sư: assistant professor (giáo sư trợ lý), associate professor (phó giáo sư) và professor (giáo sư). Giáo sư là một chức vụ trong hệ thống đại học nên không có khái niệm tiến phong, chỉ có bổ nhiệm. Việc này do các đại học thực hiện thông qua một quy trình chuẩn, gồm bốn bước:
Bước 1, ứng viên soạn thảo hồ sơ khoa học và đệ trình cho khoa trưởng. Hồ sơ bao gồm lý lịch khoa học, bản sao 10 bài báo quan trọng trong sự nghiệp và 5 bài báo trong 5 năm qua, kèm theo văn bản giải thích tại sao ứng viên đáp ứng các tiêu chuẩn đề ra cho chức vụ giáo sư.
Bước 2, khoảng 2-3 tháng sau ngày đệ trình cho khoa, hội đồng bổ nhiệm và đề bạt (committee of appointment and promotion) cấp khoa họp, xem xét hồ sơ, và gửi ra ngoài trường cho các giáo sư khác bình duyệt.
Bước 3, khoảng 2-3 tháng sau khi nhận được bình duyệt của các giáo sư bên ngoài, hội đồng bổ nhiệm và đề bạt cấp trường sẽ họp và phỏng vấn ứng viên (nếu ứng viên có cơ hội được mời phỏng vấn). Sau đó, hội đồng sẽ xem xét có nên bổ nhiệm hay đề bạt ứng viên.
Bước 4 là quyết định bổ nhiệm, thường do hiệu trưởng đại học ký.
Đó là quy trình chung, nhưng có khi còn tùy thuộc vào cấp giáo sư nữa. Ví dụ đề bạt từ phó giáo sư lên giáo sư thực thụ thì còn phải qua hai lần phỏng vấn, chứ không phải một lần cho cấp phó. Các thủ tục rất đơn giản và minh bạch. Đại học Tôn Đức Thắng ở Việt Nam cũng có quy trình tương tự.
- Việc bổ nhiệm giáo sư ở Australia dựa trên những tiêu chí nào?
- Tiêu chí giống nhau, nhưng tiêu chuẩn tùy thuộc vào trường đại học, cấp giáo sư và ngạch bổ nhiệm. Ở Australia có hai ngạch bổ nhiệm giáo sư là nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Nhưng dù ở ngạch hay cấp nào thì ứng viên vẫn được xét duyệt dựa trên 5 tiêu chí chính: Thành tích nghiên cứu khoa học; thành tích giảng dạy và đào tạo; đóng góp cho chuyên ngành trên bình diện quốc gia và quốc tế; đóng góp cho trường đại học; đóng góp cho cộng đồng xã hội và chính sách công.
Mỗi tiêu chí có một nhóm tiêu chuẩn. Chẳng hạn trong tiêu chí về nghiên cứu khoa học, hội đồng sẽ xem xét đến phẩm chất và thành tựu nghiên cứu khoa học của ứng viên. Phẩm chất khoa học được đánh giá qua số trích dẫn (chứ không phải số bài báo), tập san công bố, tác động đến chuyên ngành... Không có con số cụ thể vì những chỉ số vừa kể chỉ có tính tham khảo.
Tuy nhiên, có những con số "hiểu ngầm" như ở các trường Go8 (thuộc nhóm 8 đại học nghiên cứu) thì một giáo sư phải có chỉ số H (được tính toán dựa vào số công trình công bố và số lần trích dẫn) từ 20 trở lên, phó giáo sư phải có chỉ số H 15 trở lên.
Theo kinh nghiệm của tôi, người đã và đang ngồi trong các hội đồng này thì một giáo sư đạt được những "chuẩn" đó thường có ít nhất 100 bài báo khoa học, còn phó giáo sư thì phải cỡ 40 trở lên. Đó là tiêu chuẩn cho ngạch giáo sư nghiên cứu, còn ngạch giảng dạy thì có phần thấp hơn.
Mấy năm gần đây, một tiêu chuẩn quan trọng khác là thu hút tài trợ. Tôi thấy rất nhiều hồ sơ giáo sư nhấn mạnh đến số tiền (thường là bạc triệu USD) mà họ đem về cho trường. Lý do là mỗi đôla họ đem về cho trường thì trường được hưởng 30 cent. Do đó, thu hút tài trợ vừa là một thước đo đóng góp cho nhà trường, vừa là một tín hiệu được đồng nghiệp ghi nhận.
- Trong 5 tiêu chí ông vừa nói, cái nào là quan trọng nhất?
- Tiêu chí về nghiên cứu khoa học dù có thể quan trọng nhất, nhưng vẫn chưa đủ để được bổ nhiệm hay đề bạt. Một giáo sư thực thụ trước hết phải là người "lãnh đạo khoa học". Ứng viên phải chứng minh khả năng này qua các hoạt động khác, như: đóng vai trò quan trọng trong các hiệp hội chuyên môn cấp quốc tế, các hội đồng xét duyệt tài trợ khoa học, hội đồng biên tập của các tập san khoa học có uy tín.
Ứng viên còn phải chứng minh mình được đồng nghiệp quốc tế công nhận qua các hình thức, như làm chủ tọa hay được mời giảng trong các hội nghị quốc tế, được mời viết xã luận và tổng quan... Tất cả những tiêu chí này tuy chẳng có thước đo cụ thể, nhưng có khi lại là yếu tố quyết định cho sự thành bại trong bổ nhiệm và đề bạt.
Một tiêu chí khác quan trọng không kém là đóng góp cho trường và cho xã hội. Một giáo sư, dù là cấp thấp hay cao, phải ý thức rằng mình có nhiệm vụ đóng góp cho trường và cho đất nước, chứ không phải chỉ ngồi trong "tháp ngà" khoa bảng. Những đóng góp này có thể là qua hình thức viết báo phổ thông, phục vụ trong các ban tư vấn cho chính phủ, phục vụ trong các hội đồng cấp trường.
Tuy nhiên, như tôi nói lúc đầu, mỗi trường có một bộ tiêu chuẩn khác nhau, bởi phụ thuộc vào quá trình phát triển của trường. Những trường lâu năm và danh tiếng thường có bộ tiêu chuẩn cao hơn và quy trình gắt gao hơn những trường đang trong giai đoạn củng cố và phát triển. Có khi họ yêu cầu ứng viên phải chỉ ra là bản thân tương đương với giáo sư nào trên thế giới. Do đó, chức vụ và chức danh giáo sư rất phụ thuộc vào trường.
Đó là chưa kể đến trường hợp được bổ nhiệm "thần tốc" hay chẳng qua quy trình chuẩn trên, nhưng không nhiều. Chẳng hạn vài ngày trước, Đại học Công nghệ Sydney (UTS) bổ nhiệm một nhà báo kỳ cựu chức giáo sư và giám đốc Trường báo chí, dù chưa từng giảng dạy và chưa từng nghiên cứu khoa học có công bố quốc tế. Những trường hợp như thế tuy hiếm, nhưng càng ngày càng nhiều, vì sự thay đổi nhận thức về chức vụ giáo sư ở các đại học phương Tây.
- Sau khi được bổ nhiệm, giáo sư có trách nhiệm thế nào?
- Câu trả lời tùy thuộc vào loại giáo sư. Thông thường, một đại học có nhiều loại giáo sư. Có những giáo sư ở cấp "thấp" nhất là không giữ chức vụ nào quan trọng, còn gọi là "giáo sư trơn". Có giáo sư là giám đốc điều hành các labo nghiên cứu, nhóm nghiên cứu. Có giáo sư là "chair" (chủ nhiệm) của một chuyên ngành hay một bộ môn. Có giáo sư giữ chức quản lý như giám đốc một trường, một viện nghiên cứu, hay thậm chí khoa trưởng.
Sau khi được bổ nhiệm hay đề bạt thì các giáo sư vẫn tiếp tục làm công việc nghiên cứu hay giảng dạy, nhưng trường kỳ vọng họ phải làm tốt hơn nữa. Tốt hơn ở đây có thể hiểu là nâng cao chất lượng nghiên cứu, tham gia vào các hiệp hội chuyên môn quốc tế, hội đồng biên tập ở vai trò cao hơn. Ngoài ra, trường cũng kỳ vọng giáo sư đem nhiều tiền về cho trường qua các hoạt động chuyển giao công nghệ, thu hút tài trợ cho nghiên cứu, và hoạt động quốc tế. Như tôi nói ở trên, mỗi giáo sư - nhất là cấp giáo sư thực thụ - phải là một nhà lãnh đạo. Lãnh đạo ở đây cũng có nghĩa là nâng cao "visibility" (điểm nổi) của đại học trên trường quốc tế.
Rất ít khi giáo sư bị miễn nhiệm, vì nhiệm kỳ chỉ có 5 năm. Có những giáo sư sau khi được bổ nhiệm thì thành tích khoa học bắt đầu tuột dốc, và không còn năng lực thu hút tài trợ nữa, nên họ khó có thể gia hạn nhiệm kỳ sau. Bên cạnh đó, trong thực tế cũng có vài trường hợp bị miễn nhiệm do những hành động hay vi phạm ngoài khoa học, như sách nhiễu tình dục hay vi phạm điều lệ an toàn trong labo gây tai nạn nghiêm trọng cho cộng sự.
Nhưng nhìn chung, các giáo sư có mức độ độc lập rất cao so với những chức vụ khác. Chẳng hạn tôi có ngân sách riêng, có quyền tuyển dụng nhân sự (như sinh viên tiến sĩ, hậu tiến sĩ, hay phụ tá nghiên cứu), có quyền hợp tác với bất cứ nhóm nghiên cứu nào trên thế giới, có quyền thương lượng với các công ty kỹ nghệ... Nói chung, mỗi giáo sư có chức vụ cụ thể giống như là giám đốc của một doanh nghiệp khoa học và đào tạo.
- Australia có trường hợp nào được phong hàm giáo sư trọn đời như ở Việt Nam?
- Vì giáo sư được xem là chức vụ, nên không ai giữ chức này suốt đời, và do đó không thể dùng chức danh này suốt đời. Khi được bổ nhiệm chức vụ giáo sư, nhiệm kỳ thường là 5 năm. Ví dụ, ông John Hewson (cựu giáo sư kinh tế của Đại học New South Wales) khi rời khoa bảng và tham gia chính trường thì không còn chức danh "giáo sư" trước tên nữa.
Tuy nhiên, các đại học Australia có quy chế phong tặng chức danh "Emeritus Professor" cho những giáo sư đã nghỉ hưu nhưng từng có công lớn với trường trong thời gian tại chức. Phong tặng chức danh "Emeritus Professor" phải do một hội đồng khoa bảng của trường đại học xem xét và hiệu trưởng phê chuẩn.
Ông Nguyễn Văn Tuấn hiện đồng thời là giáo sư của Đại học Công nghệ Sydney (UTS) và Đại học Notre Dame Australia, nhận được nhiều lời mời giảng và hợp tác nghiên cứu từ các trường, viện của Mỹ, châu Âu, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hong Kong, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ông có hơn 250 công trình khoa học công bố trên các tập san danh tiếng thế giới và là một trong những giáo sư y khoa được trích dẫn nhiều nhất thế giới. |