Khoảng 500 độc giả đã tới, ngồi chật cứng len lỏi giữa các lối đi của Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội để dự buổi tọa đàm mang tên “Một mình ở châu Âu hay hành trình nội tâm dai dẳng” tối 9/7. Buổi tọa đàm, nói đúng hơn là cuộc trò chuyện, chia sẻ giữa tác giả Phan Việt với độc giả về cuốn sách mới nhất của cô “Một mình ở châu Âu”. Hai diễn giả tham gia tọa đàm là hai người bạn của Phan Việt, cũng là những người được rất nhiều công chúng biết tới - Giáo sư Ngô Bảo Châu và dịch giả Lâm Vũ Thao.
Ngay khi vừa bước vào tọa đàm, dịch giả Lâm Vũ Thao tiết lộ, anh và giáo sư Châu đã thống nhất với nhau sẽ “ném đá” Phan Việt. Và mặc cho “Một mình ở châu Âu” trở thành best-seller (sách bán chạy nhất) ở thời điểm phát hành là tháng 3/2013, mặc cho cuốn sách đã được in tới lần thứ ba dù mới đến tay độc giả được gần 4 tháng, hai diễn giả vẫn thẳng thừng kể ra những điểm không thích ở cuốn sách.
"Một mình ở châu Âu" là tập đầu tiên trong bộ sách có tên chung "Bất hạnh là một tài sản". Dịch giả Lâm Vũ Thao cho rằng, chính vì sự ràng buộc của chủ đề chung này, câu chuyện nặng về ý nghĩa mà mất đi chút lãng mạn, nhẹ nhõm mang tính văn học. Cuốn sách có lối biểu đạt tự nhiên nhưng nội dung câu chuyện hướng đến ý nghĩa có phần nặng nề hơn và bày tỏ nhiều trải nghiệm, ẩn giấu nhiều nội tâm hơn.
Ông Ngô Bảo Châu không có cùng quan điểm trong cách nhìn về Paris - một trong ba điểm đến trong cuốn sách - với Phan Việt. Nếu như Phan Việt nhìn thấy một Paris lãng mạn, hoa mộng, thì với Giáo sư, Paris của ông là những ký ức giữ nguyên từ khi ông 18 tuổi, sang đây chỉ với niềm mong mỏi được học toán, Paris đó là những bữa ăn sinh viên, những nỗi lo khi tiền trong túi cạn dần, là những buồn, vui và cả nỗi sợ về cái chết. Paris hiện tại với Giáo sư Châu là một mảnh đất mà ông đã gắn bó tới 17 năm, và theo ông, chính những dòng khách du lịch đông nghịt qua lại trên phố đã làm mất đi vẻ thơ mộng của Paris.
Tuy nhiên, Ngô Bảo Châu dành nhiều lời khen ngợi cho cuốn sách của nhà văn Phan Việt. Ông cho biết Phan Việt là một người bạn mà ông quý mến, cuốn sách lại viết về Paris - một vùng đất ông quý mến, vì thế ông đã đọc “Một mình ở châu Âu” để xem sự kết hợp của hai thứ quý mến sẽ tạo nên điều gì thú vị. Giáo sư Châu cho biết, điều ông thích nhất ở "Một mình ở châu Âu" chính là những trải nghiệm nội tâm của Phan Việt và sự khẳng định của Phan Việt ở cuối cuốn sách: “Bất hạnh là một tài sản”. Ông giúp Phan Việt chứng minh với độc giả rằng những bất hạnh, mất mát sẽ là những tài sản vô giá khi ta biết đối mặt với nó. Trong khi nữ tác giả không tự xếp cuốn sách của mình vào dạng sách văn học, ông Châu lại khẳng định đó là một tác phẩm văn học đẹp, văn học du ký cũng là một thể loại văn học chứ không phải là văn học thứ cấp như nhiều người đánh giá.
Trong buổi tọa đàm, rất nhiều câu hỏi khó đã đặt ra cho tác giả Phan Việt xung quanh chuyến đi châu Âu một mình của cô và những vấn đề nội tâm, những “bất hạnh” mà cô phải đối mặt. Phan Việt cho biết, khi cô đi một mình, thì “một mình” ở đây là vấn đề nội tâm, chứ không phải là có ai đồng hành hay không. “Nếu bạn đi cùng một ai đó, bạn vẫn có thể coi là đi một mình nếu bạn cảm thấy cô đơn”. "Đi một mình" với Phan Việt vừa là một gánh nặng tâm lý, vừa là những trải nghiệm: “Bất hạnh - nó làm cho tôi biết mình cần gì trong cuộc sống, cái gì cần thỏa hiệp, cái gì mình cần phải vượt qua. Và nếu bạn đối mặt được với bất hạnh thì đó là một tài sản của chính bạn”.
“Một mình ở châu Âu”, bên cạnh những cảm nhận tinh tế, vẻ đẹp của các thành phố ở châu Âu mà Phan Việt đi qua, còn là những tâm sự, hành trình nội tâm của chị. Đó không chỉ là những trang viết duyên dáng mà còn có sức ám ảnh với diễn biến nội tâm xuyên suốt, dai dẳng của một phụ nữ tới thánh địa châu Âu du lịch như một người không quá khứ, không ràng buộc và tự đặt ra những câu hỏi mang tính bước ngoặt cho tình yêu và hôn nhân… Tác giả Phan Việt khẳng định, hành trình nội tâm đó còn tiếp tục đeo đuổi và thể hiện rõ nét hơn qua hai tập tiếp theo trong series sách “Bất hạnh là một tài sản” sắp xuất bản của cô.
Hiền Đỗ