- Quyển "Điệp viên Z.21, Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ" của ông phát hành tại Mỹ từ năm 2009, vì sao đến nay, cuốn sách mới ra mắt bạn đọc Việt Nam?
- Đúng là tôi đã ký hợp đồng dịch sách mình ra tiếng Việt từ khoảng 5 năm trước. Khoảng thời gian dài đó là một quá trình thương thuyết và làm việc cẩn trọng giữa tôi với đơn vị xuất bản để bàn thảo chi tiết việc phát hành cuốn sách. Tôi rất vui vì cuối cùng sách cũng ra mắt bạn đọc Việt Nam sau một thời gian chờ đợi.
- Ông hoàn thành cuốn sách này như thế nào?
- Với không ít tác giả Mỹ, nhất là những tác giả quan tâm tìm hiểu về lịch sử cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn là một nhân vật - một đề tài rất hấp dẫn.
Là một nhà báo, một giảng viên về báo chí, lịch sử và văn học tại các đại học ở Mỹ, trong chương trình dạy của tôi có phần về văn học và lịch sử Việt Nam. Và khi giảng dạy về Việt Nam, tôi bị lôi cuốn bởi chân dung Phạm Xuân Ẩn. Tôi bắt đầu tìm hiểu và tìm tòi nguồn tư liệu về ông từ năm 1992. Tôi cũng đến Việt Nam rất nhiều lần để được gặp và trò chuyện trực tiếp với Phạm Xuân Ẩn. Nhưng viết sách về một nhà tình báo giỏi là điều cực kỳ khó khăn. Công việc này đòi hỏi người thực hiện phải kiên trì, bền bỉ và phải gặp được may mắn cũng như biết vạch ra kế hoạch cụ thể.
- Ông dành cho Phạm Xuân Ẩn tình cảm như thế nào?
- Tôi gặp Phạm Xuân Ẩn lần đầu tiên vào năm 1992 và thật sự đã trải qua những khoảnh khắc được bên cạnh ông. Những giờ trò chuyện kéo dài đã kịp để lại trong tôi chân dung về một con người cực kỳ ấn tượng, uyên bác, hài hước, mang lại nhiều kiến thức và cung cấp cho tôi rất nhiều thông tin cần thiết. Tuy nhiên, sau này, Phạm Xuân Ẩn từ chối gặp tôi. Tình tiết này cũng được tôi đề cập trong sách. Sau khi nhà tình báo qua đời, tôi phát hiện thêm được nhiều thông tin thú vị xoay quanh cuộc đời của ông
Dù trải qua khó khăn thế nào đi nữa, cuốn sách này là kết quả của mối quan hệ lâu dài giữa tôi và Phạm Xuân Ẩn. Sách nói về chân dung một nhân vật, nhưng thông qua đó, tôi muốn đề cập đến những chủ đề như: sự trung thực, lòng ái quốc... Và tôi hy vọng cuốn sách không chỉ mang đến một góc nhìn về mối quan hệ giữa nghề báo với nghề điệp viên mà còn góp phần phác họa mối quan hệ trong lịch sử giữa Việt Nam và Mỹ.
- Trước "Điệp viên Z.21" cuốn sách "Điệp viên hoàn hảo" cũng về Phạm Xuân Ẩn của Giáo sư Larry Berman được nhiều độc giả đón đọc. Vậy ông nghĩ tác phẩm của mình có thêm những điều gì hấp dẫn độc giả?
- Có nhiều tác giả khác nhau chọn Phạm Xuân Ẩn làm đề tài viết sách. Có thể kể đến một số cái tên như: Jean Claude Pomonti, Morley Safer, Larry Berman... và tôi. Mỗi tác giả chắc chắn có cách tiếp cận riêng để thu thập nguồn tài liệu cũng như cảm nhận riêng của mình về ông. Riêng tôi, trong sách của mình, tôi cố gắng viết về Phạm Xuân Ẩn ở góc nhìn của một người Việt Nam chứ không phải của một người Mỹ. Có những cuộc trò chuyện thẳng thắn giữa tôi và ông về tình hình chính trị, về quan điểm sống và về các mối quan hệ xoay quanh Phạm Xuân Ẩn được giữ lại trong sách. Tôi hy vọng những điều này cung cấp cho bạn đọc thông tin thú vị. Trong khả năng của mình, tôi đã cố gắng trình bày những thông tin gần nhất và chính xác nhất về cuộc đời đặc biệt của ông ấy.
- Ông quan tâm và từng đọc các các tác giả nào của Việt Nam viết về chiến tranh?
- Có một thực tế là sách về đề tài chiến tranh Việt Nam do chính tác giả Việt viết lại không nhiều, không đủ để giới nghiên cứu nước ngoài tiếp cận và tìm hiểu. Tôi thích đọc sách của Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, và gần đây tôi đọc Linda Lê... Nhưng các bạn rất cần phải có thêm nhiều Bảo Ninh, nhiều Nguyễn Huy Thiệp.
- Người đọc ngày nay, nhất là độc giả trẻ không dành nhiều quan tâm đến môn lịch sử. Ông chia sẻ gì về điều này?
- Với tôi, lịch sử là một môn học và là chủ đề cực kỳ quan trọng. Nếu bạn không học lịch sử bạn sẽ chỉ làm những việc lặp lại lịch sử mà thôi. Ở Mỹ, hiện tại, các vấn đề về lịch sử chiến tranh Việt Nam - Mỹ vẫn tiếp tục là những đề tài nhạy cảm và được tranh luận khá nhiều. Dù như thế nào đi nữa thì người trẻ cũng phải nhận ra được sự cần thiết của việc học môn lịch sử. Làm sao bạn có thể đi khắp nơi trên thế giới và có thể hiểu, cảm nhận được thấu đáo những điều mình thấy, đang xảy ra trước mắt mình nếu bạn không phải là một người biết tìm tòi lịch sử. Học lịch sử sẽ giúp người trẻ cảm nhận được thế giới mà họ đang sống một cách sâu sắc hơn.
Anh Vân thực hiện