Reb Beatty, giáo sư Quản trị Kinh doanh tại Cao đẳng cộng đồng Anne Arundel ở Arnold, bang Maryland (Mỹ) tuyên bố sinh viên lớp Kế toán Tài chính có thể mang "mảnh giấy kích cỡ 3x5" với bất kỳ thông tin nào cần thiết cho một bài kiểm tra. Một sinh viên của ông, Elijah Bowen đã tìm ra lỗ hổng trong lời hướng dẫn.
Vào ngày kiểm tra, Beatty bước vào lớp và thấy Bowen miệt mài ghi chép trên một tấm bìa rất lớn.
"Ban đầu, tôi nghĩ cậu sinh viên muốn tận dụng vài phút trước giờ kiểm tra để nhồi nhét kiến thức, có lẽ tấm bìa là thứ cậu mang theo để ôn tập. Sau khoảng một phút, với mẩu đối thoại ngắn, tôi nhận ra đây là tấm giấy kích cỡ 3x5 feet mà cậu có ý định dùng trong giờ thi", giáo sư trả lời HuffPost ngày 28/9.
Nhờ đó, ông nhận ra hướng dẫn của mình không đề cập đến đơn vị đo lường cụ thể. Vốn dĩ ông mặc định đó là mảnh giấy 3x5 inch (1 inch = 2,54 cm).
"Một bài thi kế toán yêu cầu rất nhiều thuật ngữ, khái niệm. Tôi không cổ vũ gian lận thi cử. Việc cho phép sử dụng một mảnh giấy có kích cỡ như vậy chỉ là cách tôi buộc học sinh phải tự tổ chức kiến thức mình học được", giáo sư Beatty giải thích trên Facebook. Ông cũng khẳng định đã dùng phương pháp này trong nhiều năm và nhận thấy hiệu quả.
Trước hành động bất ngờ của sinh viên, Beatty không hề giận dữ mà ngược lại. "Tôi rất vui khi sinh viên biết sáng tạo, tư duy vượt khuôn khổ và đạt được kết quả tốt hơn", ông cho biết.
Beatty quyết định chuyển Bowen xuống cuối lớp, nơi có khoảng trống thích hợp và cho phép cậu sử dụng tài liệu. Vị giáo sư cũng đăng bức ảnh lên Facebook và ca ngợi khả năng tuân thủ luật lệ một cách hài hước của sinh viên. Bài đăng nhanh chóng lan truyền với 34.000 lượt thích và 30.000 lượt chia sẻ.
Qua sự việc này, giáo sư Beatty cảm thấy vừa được sinh viên dạy cho một bài học quan trọng. "Tất cả chúng ta đều mắc sai lầm vào những lúc nhất định, bất kể vị trí xã hội của mình. Điều quan trọng là cách chúng ta đối mặt với sai lầm đó. Tôi chắc chắn nhiều giáo sư sẽ phản ứng với chuyện này theo cách yêu cầu sinh viên bỏ tài liệu đi, không khen ngợi sự khéo léo, mưu mẹo của sinh viên, không thừa nhận lỗi của mình", ông nói.