Tại tọa đàm Kỷ niệm 100 năm chữ quốc ngữ do Đại học Văn Lang tổ chức ngày 30/11, GS Nguyễn Văn Hiệp (Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học) cho rằng, hệ thống chữ quốc ngữ hiện hành đang thực hiện tốt vai trò trong đời sống xã hội dù còn tồn tại một số điểm bất hợp lý.
Bộ chữ viết và chính tả quốc ngữ tiếng Việt hiện được hoàn chỉnh vào cuối thế kỷ 18 - nửa đầu thế kỷ 19 từ nhiều điều kiện thuận lợi hội tụ. Kể từ đây, chỉ còn một số rất ít điều chỉnh, hệ thống chữ quốc ngữ không còn chấp nhận bất cứ thay đổi lớn nào khác.
100 năm qua, liên tục có những ý kiến cho rằng cần phải cải tiến chữ quốc ngữ trên nhiều phương diện khác nhau. Mới nhất là đề xuất cải tiến của PGS Bùi Hiền, được xem là thiếu tính khoa học và bất khả thi.
"Tất cả những hình dung có thể cải cách đối với chữ quốc ngữ, những người đi trước, Tây có ta có, đã bàn nát nước rồi. Rất nhiều ủy ban, hội nghị hăm hở nêu ra các đề xuất cải cách mà đến nay chẳng có cải cách nào được thực hiện cả. Chữ quốc ngữ vẫn giữ căn bản diện mạo như trong từ điển Taberd năm 1838", ông Hiệp nói và cho rằng, điều cần làm hiện nay với chữ quốc ngữ là xây dựng chuẩn chính tả.
Ông nêu một số ví dụ như cách viết "y" hay "i", viết hoa tên tổ chức, đoàn thể, cách phiên âm hay để nguyên dạng tên riêng nước ngoài, vị trí đánh dấu thanh... Những chuyện này tưởng đơn giản nhưng rất quan trọng trong thời đại kỹ thuật số hiện nay.

GS Nguyễn Văn Hiệp tại toạ đàm hôm nay. Ảnh: Mạnh Tùng.
Theo GS Hiệp, chữ quốc ngữ thuộc hệ thống chữ ghi âm, ban đầu được các giáo sĩ phương Tây chế tác với mục tiêu truyền giáo, công đầu phải kể đến là Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes.
Sự ra đời của bộ Từ điển Nam Việt - Dương hiệp tự vị của J. L. Taberd in năm 1838 trên cơ sở cuốn từ điển viết tay Pigneau de Béhaine (hoàn thành năm 1773) là dấu mốc định hình chữ quốc ngữ. Diện mạo chữ quốc ngữ trong từ điển Pigneau de Béhaine - Taberd được xem như là nền tảng của chính tả hiện đại.
Chữ quốc ngữ dần thay thế cho chữ Hán - hệ chữ viết đã mất vai trò lịch sử và chữ Nôm - hệ chữ viết không thể trở thành văn tự chính thức của dân tộc. Đây là hệ thống ký hiệu ghi âm tiện lợi, dễ học. Không có chữ quốc ngữ, khó có thể xoá nạn mù chữ một cách nhanh chóng.
Tại tọa đàm, nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ đã phân tích vai trò của các nhà truyền giáo trong việc truyền bá chữ quốc ngữ, các vấn đề ngôn ngữ học liên quan đến chữ quốc ngữ, sự ra đời và phát triển của văn học, báo chí chữ quốc ngữ.
PGS Hoàng Dũng (Đại học Sư phạm TP HCM) phân tích rõ sự phát triển của chữ quốc ngữ qua sự ra đời của cuốn Từ điển Việt Bồ La (1651) và Sách sổ sang chép các việc (1822).
Alexandre de Rhodes trong mấy lời thưa với độc giả in ở đầu sách Từ điển Việt Bồ La, đã nói rõ ông đã sử dụng công lao của nhiều người. PGS Dũng đánh giá góp của Alexandre de Rhodes trong việc xây dựng chữ quốc ngữ là rất quan trọng, dù ông thừa hưởng thành quả từ những người đi trước.