Ngày 25/10, Tổng hội Y học Việt Nam và Viện Huyết học truyền máu trung ương tổ chức gặp mặt 43 tân sinh viên thủ khoa ngành Y, Dược khu vực phía Bắc năm 2015. Các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành, nhà giáo nhân dân, thầy thuốc nhân dân, anh hùng lao động của ngành y, dược như Vũ Triệu An, Vi Nguyệt Hồ, Hoàng Bảo Châu, Nguyễn Thu Nhạn, Phạm Thanh Kỳ, Lê Ngọc Trọng, Lê Quang Cường, Nguyễn Anh Trí, Trần Hữu Thăng… đã đến dự và chia sẻ tâm huyết về nghề y, y đức.

Nhiều giáo sư đầu ngành, nguyên là giám đốc các bệnh viện lớn, hiệu trưởng các trường đại học đến chia sẻ kinh nghiệm với các tân thủ khoa. Ảnh: Hoàng Phương
Mong các em đừng yêu sớm
Với lịch học dày đặc và khối lượng kiến thức lớn, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam Phạm Mạnh Hùng "mong các em đừng yêu sớm". "Khi rời gia đình lên thành phố học, các em bắt đầu có cuộc sống tự lập. Tôi cho rằng yêu sớm sẽ cản trở rất lớn cho việc học hành. Các em cứ phải học xong đã, rồi tính chuyện yêu đương cũng chưa muộn", thầy Hùng chia sẻ.
Đồng tình với GS Hùng, GS Hoàng Bảo Châu (nguyên Viện trưởng Y học Cổ truyền Việt Nam) cho biết, không nên yêu khi ngồi trên ghế giảng đường, nhưng có thể tìm bạn học cùng để phấn đấu. GS kể, khi được cử sang Trung Quốc học, chỉ học tiếng một năm, sau đó bài học đầu tiên lại về giải phẫu, rất khó tiếp thu khi tiếng còn chưa thạo. Thời đó sinh viên bị cấm yêu, nếu yêu phải về nước.
"Tôi đành tìm một người bạn bản địa trợ giúp, vừa học vừa trao đổi, chưa hiểu thì tôi hỏi lại. Hồi đó học giải phẫu cứ 4 người có một xác chết. Trước khi lên lớp chúng tôi có 4 tiết tự học, tôi cứ ngồi bên xác chết, dù mùi phoóc môn bốc lên khó chịu, nhưng cứ cầm sách xem sách viết thế nào thì rạch chỗ đó. Thế mà khi thi tôi được nhất", thầy Châu kể.
Không phủ định nhưng Thứ trưởng Y tế Lê Quang Cường lại cho rằng nhiều khi yêu tạo sự thăng hoa để mọi người cố gắng hơn. "Cấm yêu cũng khó, nhưng nếu có yêu, các em phải làm sao để biến tình yêu thành động lực học tập và cố gắng", ông Cường nói.

GS Hoàng Bảo Châu chia sẻ và nhắn nhủ sinh viên. Ảnh: Hoàng Phương
Bác sĩ cần người giỏi về nghề, sáng về tâm
Chia sẻ với các tân thủ khoa, những giáo sư Y khoa đầu ngành cho rằng thầy thuốc là một nghề cao quý, trực tiếp chăm sóc, bảo vệ tính mạng cho mỗi người dân, đảm bảo sự khoẻ mạnh cho cả dân tộc, nhưng cũng là một trong những nghề nghiệp khó khăn, đòi hỏi nhiều nỗ lực, hy sinh và không ngừng học hỏi phấn đấu trong suốt cuộc đời.
GS Vũ Triệu An (92 tuổi) nhắn nhủ sinh viên Y khoa ngoài kiến thức chuyên môn thì ngoại ngữ rất quan trọng, trước hết là tiếng Anh. Có ngoại ngữ, các em sẽ nghiên cứu được nhiều tài liệu và thành tựu y học thế giới, vươn xa hơn trong nghề nghiệp của mình. "92 tuổi, thầy An vẫn đang miệt mài viết sách. Để hoàn thiện được cuốn sách thì thầy vẫn phải học thêm rất nhiều. Đó là tấm gương học tập suốt đời mà các em cần noi theo", GS Hùng nhấn mạnh.
Cả cuộc đời làm nghề điều dưỡng, bà Vi Thị Nguyệt Hồ tâm sự với sinh viên: "Nghề chúng ta là nghề thực hành, các em phải học thế nào để cứu được bệnh nhân. Là nghề vất vả, mệt mỏi và tiếp xúc với nỗi buồn nên các em phải luôn vui vẻ với bệnh nhân để họ vượt qua được bệnh tật", bà Hồ nói và nhắn nhủ trong quá trình học sẽ thấy nhiều tấm gương tốt nhưng cũng sẽ có những người xấu. Vì vậy, các em cần biết lựa chọn cái tốt để noi theo.

Giáo sư Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam mong sinh viên Y khoa đừng yêu sớm vì sẽ ảnh hưởng đến học tập. Ảnh: Hoàng Phương
Là chuyên gia về Nhi khoa, bà Nguyễn Thị Thu Nhạn kể, ra nước ngoài học khi chỉ nặng 39 kg và suốt 7 năm học tập vẫn không tăng được cân nào. "Cô phải cố gắng bởi vì khi những người bạn cùng trang lứa phải vác ba lô, súng đạn lên đường chiến đấu thì mình lại được đi học. Đó là sự ưu ái của đất nước và mình phải đền đáp. Ngành của chúng ta hết sức cao quý nhưng rất vất vả. Mong các em có quyết tâm để đi theo nghề", bà Nhạn nhắn nhủ.
GS Trần Quỵ, nguyên giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng cho rằng muốn chăm sóc bệnh nhân tốt thì cần phải học và không học thì không trở thành bác sĩ tốt được. "Mục đích vào trường, tại sao vào thì phải xác định rõ. Các em là thủ khoa thì phải cố gắng, vừa học lý thuyết vừa phải thực hành, học toàn diện để phục vụ người bệnh", thầy Quỵ nói.
Hoàng Thuỳ