Ông Cao Huy Hóa, em trai Giáo sư Cao Huy Thuần, thông báo ông mất lúc 5h ngày 8/7 (giờ Hà Nội). Hòa thượng Thích Hải Ấn - Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế - cho biết chờ thông tin từ gia đình, sau đó sẽ tổ chức buổi tưởng niệm giáo sư. Ông từng thỉnh giảng một số chuyên đề tại học viện.
Hòa thượng nhận xét giáo sư Cao Huy Thuần là một Phật tử nhiệt tình với quê hương, dân tộc và đạo pháp, thể hiện qua các cuốn sách của ông. Qua những bài giảng, ông luôn mong muốn truyền đạt kiến thức của mình cho tất cả tăng ni sinh tại học viện.
Ông Hoàng Nhơn - giám đốc công ty sách Khai Tâm - là người có nhiều liên lạc với giáo sư giai đoạn cuối đời của ông. Cuốn đầu tiên của giáo sư Cao Huy Thuần do Khai Tâm tái bản là Khi tựa gối, khi cúi đầu (tản văn).
"Khi tôi ghé nhà bác bên đường Hồng Lĩnh, cư xá Bắc Hải, TP HCM, để ký hợp đồng bản quyền, bác nói với tôi: 'Nhuận bút anh gửi cho tôi thấp hơn các đơn vị cũ, nhưng không sao, tôi thích sự thẳng thắn của anh'. Tôi hiểu nhuận bút không phải là chuyện chính với bác mà là những đứa con tinh thần được trở lại. Hợp đồng được ký kết, và tác phẩm cũng được trở lại không lâu sau đó. Vì nó đã "ngủ yên" sau vài năm nên khi nó trở lại thì được bạn đọc đón nhận rất nồng nhiệt. Bác và tôi cùng vui", ông Hoàng Nhơn nhớ lại.
Sau đó, đơn vị sách này tiếp tục in nhiều đầu sách của giáo sư Cao Huy Thuần như: Tôn giáo và xã hội hiện đại (2017), Thượng đế, Thiên nhiên, Người, Tôi và Ta (Triết lý Luật và Tư tưởng Phật giáo, 2017), Sen thơm nắng hạ quê mình (2020)
Năm 2022, như một dự cảm về sức khỏe của mình, giáo sư Cao Huy Thuần đề xuất Khai Tâm in quyển sách cuối của ông - Im lặng, như lời chia tay, phát hành vào tháng 12/2022.
Văn chương của ông hòa quyện giữa triết lý nhân sinh và triết lý Phật giáo. Các vấn đề ông đề cập gần gũi, dung dị, thiết thực trong cuộc sống. Chẳng hạn, trong Sợi tơ nhện, ông nói về nguyên tắc đạo đức quan trọng - không nói dối. Theo ông, bên cạnh gia đình, giáo dục ở nhà trường có thể làm gì thiết thực hơn để dạy mỗi đứa trẻ, mỗi công dân biết thành thật cũng là biết "làm người".
Trong tập tản mạn Khi tựa gối khi cúi đầu, ông truyền tải góc nhìn người, nhìn đời với phong thái sống nhẹ nhàng, bao dung. Giáo sư Cao Huy Thuần từng nói trên báo Giác ngộ: "Sách của tôi thường viết là để cho giới trẻ đọc, đạo đức trong ấy là gửi cho giới trẻ".
Nhà thơ Nguyễn Duy từng nhận xét: "Đọc anh, tôi thực lòng kính phục một học giả uyên thâm biết tìm kiếm đến ngọn nguồn sự biết. Tôi lại càng cảm phục một tác giả tinh tế biết nép mình sau trang viết, truyền bá trí tuệ và kết nối lương tri bằng cảm xúc, với tất cả năng lượng tâm hồn cùng năng lực văn chương có thể".
Giáo sư sinh ra trong gia đình truyền thống hiếu học ở Huế, tốt nghiệp Đại học Luật Sài Gòn (1955-1960), giảng dạy tại Đại học Huế (1962-1964). Là một trí thức yêu nước, ông xuất bản báo Lập Trường, tham gia tranh đấu trong sự kiện đàn áp Phật giáo năm 1963 tại Huế. Ông từng là Phật tử tại chùa Từ Đàm.
Năm 1964, ông du học tại Pháp, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Paris (1969), sau đó là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Cộng đồng châu Âu tại Đại học Picardie. Ông là giáo sư chính trị học tại Đại học Picardie, Pháp.
Giáo sư Cao Huy Thuần là tác giả nhiều công trình nghiên cứu bằng tiếng Pháp. Với độc giả Việt Nam, ông được yêu thích qua các cuốn sách đậm triết lý nhân sinh như Thượng đế, Thiên nhiên, Người, Tôi và Ta, Tôn giáo và xã hội hiện đại, Nắng và Hoa, Thế giới quanh ta, Thấy Phật, Nhật ký sen trắng, Sợi tơ nhện.
Ngọc Thạnh - Hà Thu