Giáo sư khoa học máy tính Wooldridge đã dành hơn 30 năm nghiên cứu về AI và từng được trao huy chương Lovelace vì những đóng góp trong lĩnh vực máy tính. Ông đang thực hiện loạt bài giảng liên quan đến trí tuệ nhân tạo trong chuỗi sự kiện học thuật của Viện Hoàng Gia Anh dịp Giáng sinh.
Theo ông, người dùng không nên coi AI như một người bạn tâm giao vì nó có thể khiến họ gặp rắc rối lớn. Việc trò chuyện với ChatGPT từ những chuyện nhỏ nhặt như phàn nàn về sếp, đến những việc quan trọng như quan điểm chính trị là "cực kỳ dại dột và thiếu khôn ngoan".
"Đừng bao giờ mong chờ câu trả lời thật lòng vì công nghệ sẽ nói những gì bạn muốn nghe thay vì sự thật", giáo sư Wooldridge nói.
Wooldridge nói với Daily Mail rằng dù các lập trình viên đang cố gắng tìm kiếm ý thức trong AI nhưng hiện vẫn là một nỗ lực chưa đem lại kết quả. "AI không có sự đồng cảm. Điều quan trọng là AI chưa bao giờ trải qua bất cứ điều gì", ông nói.
Trước đó, ông nhiều lần nhấn mạnh AI không thể có cảm xúc như con người. "ChatGPT sẽ đọc hàng nghìn mô tả về việc uống, thưởng thức cà phê, hương vị từng loại nhưng nó chưa bao giờ thực sự trải nghiệm. Đó là sự khác biệt", Guardian dẫn lời giáo sư Wooldridge.
Ông cũng cho rằng dù hiểu biết của chatbot có thể khác ý thức con người, nó vẫn tác động đến nhiều lĩnh vực của đời sống. Một số nguy cơ về AI chỉ mang tính suy đoán nhưng cũng có những thứ đã hiện hữu. Ví dụ, chatbot có thể trở thành "ông chủ khó tính", giám sát mọi email của nhân viên, đưa ra phản hồi liên tục, thậm chí quyết định ai sẽ bị sa thải.
"Việc chúng ta nhập nội dung gì vào ChatGPT hôm nay có thể trở thành dữ liệu phục vụ cho chatbot tương lai", ông khuyến cáo. Với các mô hình AI hiện nay, người dùng gần như không thể lấy lại dữ liệu một khi đã đưa vào hệ thống.
Hồi tháng 4, OpenAI triển khai bản cập nhật, cho phép người dùng tắt lịch sử trò chuyện trên ChatGPT để ngăn hệ thống lấy dữ liệu đào tạo AI. Công ty cũng cho biết sẽ lưu lịch sử cuộc nói chuyện của người dùng với chatbot trong 30 và "chỉ xem lại khi cần".
Khương Nha