Ngày 14/3, nằm trên giường bệnh ở Trung tâm Hô hấp, bé trai một tháng tuổi, ở Tây Hồ, thở nặng nhọc do nhiễm RSV. Trước khi vào viện, bé sốt 38 độ C, sau đó bệnh tiến triển nhanh, khó thở, khò khè. Lúc nhập viện, em đã suy hô hấp, phải thở oxy.
Giường kế bên, bé gái 3 tháng tuổi cũng nằm thiêm thiếp do suy hô hấp, gây nên bởi virus RSV. Người nhà cho biết chỉ sau nửa ngày có dấu hiệu ho, khò khè, bác sĩ đã chỉ định nhập viện ngay.
Đây là hai trong hàng chục bệnh nhi đang điều trị RSV tại Trung tâm Hô hấp. Hơn 20 giường tại 4 buồng dành riêng cho trẻ nhiễm bệnh này luôn kín chỗ. Đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết số ca mắc RSV hiện ở mức cảnh báo. Từ đầu 2023 đến nay, đơn vị ghi nhận hơn 1.100 ca nhiễm, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, số trẻ nhập viện trong tháng 3 cũng tăng 30% so với tháng trước.
Lý do, RSV thường bùng phát vào thời điểm giao mùa, đặc biệt thu đông hoặc xuân hè. Virus lây qua giọt bắn, qua bàn tay, quần áo hay tiếp xúc trực tiếp như ăn uống, hôn hít trẻ.
Triệu chứng nhiễm virus hợp bào hô hấp ở giai đoạn khởi phát là ho, hắt hơi, sổ mũi. Giai đoạn toàn phát, trẻ khò khè, ho, thở nhanh. Trẻ sơ sinh có thể tím tái hoặc gặp cơn ngừng thở. Bệnh có thể dẫn đến biến chứng như suy hô hấp nặng, cần hỗ trợ bằng máy.
Phó giáo sư Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, cho biết hầu hết bệnh nhi mắc RSV điều trị tại viện đều đã bị viêm phổi, có biểu hiện ho, sốt, khó thở. Nhiều trẻ bị suy hô hấp với biểu hiện thở rút lõm lồng ngực, thậm chí tím tái.
"Trẻ mắc RSV có thể tự khỏi sau 5-7 ngày, tuy nhiên với các bệnh nhi sinh non, có bệnh lý nền, bệnh diễn biến nhanh, để lại di chứng nặng nề như suy hô hấp, thậm chí tử vong", bác sĩ Hanh nói, thêm rằng những trẻ này phải điều trị lâu dài, tạo gánh nặng với ngành y tế và gia đình.
Vì vậy, bà Hanh khuyến cáo cha mẹ cần theo dõi trẻ, khi có các biểu hiện như sốt cao, co giật, tím tái, bỏ bú, kém ăn, thở nhanh rút lõm lồng ngực, cần đưa con nhập viện ngay.
Hiện virus hợp bào hô hấp chưa có vaccine đặc hiệu nên gia đình cần phòng bệnh cho trẻ. Thời điểm giao mùa, phụ huynh chú ý giữ ấm cho con bằng cách mặc quần áo nhiều lớp, có thể dễ cởi ra khi nóng lạnh thất thường.
Hạn chế cho trẻ ra đường, nơi gió lùa; cần mặc ấm, đeo khẩu trang nếu ra ngoài, đồng thời giữ vệ sinh mũi họng, nhỏ mũi thường xuyên. Dọn dẹp phòng ở của trẻ sạch sẽ, thoáng mát, tránh mùi thuốc lá, than tổ ong. Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý, nên cho trẻ bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục đến hai tuổi.
Lê Nga