Nội dung nêu trong kế hoạch tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm phục vụ dự án mở rộng, nâng cấp cảng hàng không Cà Mau do Chủ tịch UBND tỉnh này vừa ký ban hành.
Để thực hiện được mục tiêu trên, kế hoạch nêu rõ cần qua các bước điều tra, khảo sát, xác định nhu cầu tái định cư; phổ biến thông tin, tiếp nhận ý kiến người dân; đo đạc, kiểm đếm đất bị thu hồi; lập và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Thời gian thực hiện quy trình này được rút ngắn trong vòng 97 ngày, không tính thời gian xác định giá đất cụ thể. Đồng thời, các đơn vị phải xử lý kịp thời phát sinh trong quá trình thực hiện, đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ.
Theo chính quyền tỉnh Cà Mau, việc thực hiện kế hoạch là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cơ quan liên quan. Các đơn vị được yêu cầu nâng cao vai trò, trách nhiệm, đồng thời phối hợp chặt chẽ để đảm bảo tiến độ.
Hiện Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã bàn giao ranh giới giải phóng mặt bằng theo quy hoạch cho UBND TP Cà Mau để triển khai đo đạc, kiểm đếm, giải tỏa. Việc giải phóng mặt bằng nằm ngoài phạm vi đường bay hiện hữu nên không ảnh hưởng đến hoạt động bay.
Dự án thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng với diện tích hơn 100 ha tại phường 6 và phường Tân Thành, TP Cà Mau; 5 tổ chức và khoảng 740 hộ ảnh hưởng. Tỉnh dự kiến chi hơn 860 tỷ đồng làm dự án giải phóng mặt bằng để đầu tư, mở rộng sân bay Cà Mau.
Theo quyết định ngày 16/10 do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký, sân bay Cà Mau được nâng cấp, mở rộng đảm bảo khai thác máy bay A320, A321 và tương đương. Đường lăn và sân đỗ máy bay phía Nam sẽ được xây dựng; sân đỗ đáp ứng ba vị trí đỗ máy bay.
Nhà ga hành khách được mở rộng, gồm hai tầng với diện tích xây dựng 2.660 m2, đón được 500.000 khách mỗi năm và có thể mở rộng đến một triệu khách khi có nhu cầu. Một số công trình phụ trợ được xây mới như đường nối sân đỗ máy bay mới về ga hành khách, trạm cứu hỏa, hàng rào an ninh, đường vành đai.
Tổng nguồn vốn nâng cấp sân bay khoảng 2.400 tỷ đồng, do nhà đầu tư là ACV đảm trách.
Sân bay Cà Mau có từ thời Pháp, quy mô cấp 3C, hiện đường cất hạ cánh dài 1.500 m, rộng 30 m, đáp ứng khai thác loại tàu bay thương mại loại nhỏ như ATR72 (tối đa 90 khách), Embraer E190 (124 khách) và tương đương, nhà ga có công suất 200.000 khách mỗi năm.
Nhiều năm qua, Cảng đang khai thác duy nhất một đường bay Cà Mau - TP HCM bằng máy bay ATR72 và ngược lại với tần suất mỗi ngày một chuyến. Giữa năm 2023, Bamboo Airways đã khai thác chặng Hà Nội - Cà Mau bằng máy bay Embraer song đã tạm dừng.
Theo quy hoạch tổng thể ngành hàng không, Cảng hàng không Cà Mau đến năm 2030 là sân bay cấp 4C (đảm bảo tiếp nhận các máy bay tầm trung), công suất một triệu khách mỗi năm; giai đoạn đến năm 2050 là sân bay cấp 4C, công suất 3 triệu khách mỗi năm.
Cà Mau thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, rộng hơn 5.300 km2, khoảng 1,2 triệu dân. Giai đoạn năm 2020-2025, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5-7% mỗi năm; thu nhập bình quân đầu người đến 2025 đạt 77 triệu đồng.
An Minh