Tại TP HCM vừa diễn ra chương trình "Giao lưu tác giả Việt Nam - Hàn Quốc 2014". Sự kiện quy tụ các nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học giữa hai nước. Đây là dịp để đại diện giới văn chương hai quốc gia tổng kết lại thành quả đạt được, cũng như đề xuất các cách thức hoạt động trong thời gian sắp tới nhằm gắn chặt hơn mối dây liên kết ở lĩnh vực văn học, văn hóa Việt - Hàn.
Các tác giả, nhà nghiên cứu Việt Nam - Hàn Quốc cho rằng, nhiều năm qua, mối giao lưu tác phẩm văn chương giữa hai nước còn khoảng trống lớn. Trong 20 năm qua, chỉ có gần 60 tác phẩm văn học Hàn được dịch sang tiếng Việt Nam. Gần 30 cuốn sách Việt Nam được dịch sang tiếng Hàn.

Từ trái qua: nhà văn Kim Young Ha, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trò chuyện với độc giả tại chương trình "Giao lưu tác giả Việt Nam - Hàn Quốc 2014" diễn ra tại TP HCM.
Các đầu sách tiếng Việt được dịch phần lớn là thơ của Nguyễn Trãi, các tác phẩm văn học dân gian như: Truyền kỳ mạn lục, Lĩnh Nam chích quái, hoặc Truyện Kiều của Nguyễn Du... Gần đây, có các cuốn Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh... được chuyển ngữ. Nhất là với Cánh đồng bất tận, độc giả Hàn có cơ hội tiếp cận một giọng văn mới viết về đề tài nông thôn, thuộc thế hệ sau chiến tranh của người Việt.
Về phía Hàn Quốc, gần đây có vài tác phẩm của nhà văn Kim Young Ha được dịch sang tiếng Việt như: Điều gì xảy ra ai biết, Chơi Quiz Show... Hoặc nữ tác giả Shin Kyung Sook với cuốn Hãy chăm sóc mẹ được bạn đọc trong nước đón nhận.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền (Trưởng bộ môn Hàn Quốc Học, đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM), xét trên mặt bằng chung, tỷ lệ giao lưu tác phẩm văn chương hai nước còn khá thấp, dù giữa Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng trong văn hóa, lịch sử, đều thuộc khu vực Đông Á. Người dân hai nước đang ngày càng có nhu cầu hiểu biết lẫn nhau, hàn gắn vết thương chiến tranh...
Ông Kim Yoo Jin, đại diện Viện Dịch thuật và Văn học Hàn Quốc, cho rằng, nếu so với làn sóng văn hóa nghe nhìn của phim ảnh, âm nhạc nước này thì sức quảng bá của văn học nước này tại Việt Nam lép vế rất nhiều. Ông đùa, không lẽ khi cần giới thiệu sách lại phải nhờ giới thiệu tại một đêm nhạc của Big Bang chẳng hạn.
Ông Phạm Sỹ Sáu, đại diện Hội Nhà văn TP HCM, chia sẻ một thực tế: Tác phẩm văn học Hàn chưa thực sự được độc giả Việt quan tâm. Tác phẩm văn chương Hàn Quốc mới xuất hiện ở Việt Nam khoảng 10 năm nay. NXB Trẻ có in vài đầu sách nhưng lượng bạn đọc rất thấp, 1.000 bản vẫn khó bán hết. Trước thông tin này, nhà thơ Inrasara nhận xét, tự bản thân tác phẩm và sức hút tác giả sẽ làm nên thành công cho tác phẩm, còn việc dịch thuật, quảng bá ồ ạt theo kiểu bao cấp thì cũng khó để thu hút sự chú ý của người đọc.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để bù đắp khoảng trống và thu hút sự chú ý của bạn đọc, rất cần có sự hỗ trợ - tài trợ dịch thuật từ chính phủ, các tổ chức... Giáo sư Thanh Xuân, người tham gia giảng dạy và nghiên cứu ở Hàn Quốc và Việt Nam cho rằng, so sánh giữa văn học và phim ảnh là khập khiễng. Hơn bao giờ hết, ở giai đoạn văn hóa thời kỳ này, nhà nước cần phải bảo trợ tác phẩm văn học, công tác dịch thuật trên tinh thần tự do, không định hướng và kiềm chế quá chặt chẽ. Hai nước có nhiều tác phẩm hay... "Có nhiều cách để quảng bá chúng đến với độc giả hai nước. Từ phía nhà trường, có thể giúp học sinh - sinh viên tiếp cận các tác phẩm kinh điển. Còn từ phía đại chúng, rất cần có những chuyên mục giới thiệu sách, điểm sách, giúp độc giả tiếp cận rộng rãi hơn nền văn học hai nước", bà Xuân chia sẻ.
Ngoài ra, một trong những giải pháp giúp tăng cường quảng bá văn học hai nước nói riêng, và nền văn học các nước nói chung là Việt Nam cần có Viện dịch thuật văn học. "Một thành phố lớn như TP HCM mà không có hội đồng dịch thuật là điều hơi bất thường", chủ tọa buổi giao lưu - Tiến sĩ Đoàn Lê Giang (trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) nói.
Trong khi đó, từ năm 2001, Hàn Quốc có Viện Dịch thuật văn học, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nước này. Mục đích của Viện là phát triển hoạt động sáng tác văn học trong nước, giới thiệu văn học Hàn Quốc ra thế giới thông qua nhiều hoạt động như hỗ trợ dịch thuật và xuất bản, hỗ trợ các chương trình giao lưu văn học, đào tạo dịch giả, phát triển thư viện sách... Viện này hỗ trợ dịch thuật và xuất bản tác phẩm văn học Hàn Quốc đến 30 nước với gần 800 đầu sách.
Buổi giao lưu "Giao lưu tác giả Việt Nam - Hàn Quốc 2014" do Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn Nghệ, Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc cùng Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP HCM phối hợp tổ chức.
Thất Sơn