Văn bản do hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký, gửi các địa phương nêu mùa Phật đản năm nay, thế giới và Việt Nam "đang phải đối diện với cuộc chiến khốc liệt chống Covid-19, từ nhiều nguồn lây nhiễm trong cộng đồng". Uỷ ban đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc thông báo không tổ chức sự kiện này.
Vì vậy, Giáo hội Phật giáo đề nghị các địa phương không tổ chức lễ đài, không rước xe hoa cùng các chương trình nghệ thuật có tập trung đông người. Tăng ni và phật tử được khuyến khích tổ chức nghi lễ tắm Phật, tụng kinh ngay tại tự viện và tư gia của mỗi nhà.
Các địa phương chỉ tổ chức đại lễ Phật đản tập trung sau khi Chính phủ công bố hết Covid-19.
Ngày 20/3, Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị các tổ chức tôn giáo dừng các sự kiện lớn gồm: Lễ Phục sinh trong Công giáo và Tin lành; lễ Phật đản trong Phật giáo; Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer; đại hội nhiệm kỳ của Hội thánh Cao Đài; hội nghị thường niên của Hội đồng tinh thần tôn giáo Baha’i và Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa...
Đầu tháng 2, Thủ tướng yêu cầu dừng tất cả lễ hội chưa khai mạc, lễ hội đang diễn ra phải giảm quy mô... để phòng chống Covid-19. Sau đó, nhiều lễ hội lớn ở miền Bắc như Tam Chúc, Yên Tử, đền Trần... không tổ chức lễ khai mạc.
Theo quan niệm Phật giáo, lễ Phật đản là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chào đời tại vườn Lâm Tỳ Ni vào 15/4 âm lịch năm 624 trước Công Nguyên. Phật giáo Nam Tông và Tây Tạng còn gọi đó là ngày Tam Hiệp (kỷ niệm ngày ra đời, ngày thành đạo và ngày nhập Niết bàn của Đức Phật). Mỗi nước tổ chức kỷ niệm ngày Tam Hiệp (Vesak) vào thời gian khác nhau tuỳ theo quan niệm.
Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... tổ chức lễ Phật đản vào 8/4 âm lịch. Các nước theo Phật giáo Nam Tông tổ chức vào 15/4 âm lịch hoặc 15/5 dương lịch. Tại Ấn Độ, Bangladesh, Nepal và các nước theo Phật giáo nguyên thủy, lễ Phật đản diễn ra vào ngày trăng tròn của tháng Vaisakha theo lịch Phật giáo và lịch Hindu (tháng 4 hoặc tháng 5).