Khi bom tấn Oppenheimer đang gây sốt phòng vé thế giới, câu chuyện về các nhà khoa học trong dự án chế tạo bom nguyên tử một lần nữa trở thành đề tài được nhiều người quan tâm. Bên cạnh Oppenheimer - nhân vật chính của câu chuyện - Enrico Fermi cũng là một nhân vật chủ chốt đưa dự án Manhattan đến thành công.
Enrico Fermi (1901-1954), chủ nhân của giải Nobel Vật lý năm 1938, là một trong những nhà khoa học vĩ đại. Theo những giai thoại kinh điển về Fermi, ông có thể ước tính được giá trị của bất kỳ tham số vật lý nào với những công cụ đơn giản nhất. Các đồng nghiệp ở Rome ví ông như Giáo hoàng của ngành vật lý: "cũng như Đức Giáo hoàng, Fermi không thể sai lầm".
Nhưng đằng sau vẻ bề ngoài trầm tính, những tính toán phi thường đó là một con người như thế nào? Trí tuệ của ông đã trở thành huyền thoại, nhưng khía cạnh con người ông lại rất ít khi được chia sẻ. Ông ít khi thể hiện cảm xúc đến mức đồng nghiệp cùng nghiên cứu hoặc người thân cũng khó đoán được ông đang nghĩ gì.
Trong cuốn tiểu sử Giáo hoàng vật lý, hai tác giả Gino Segrè và Bettina Hoerlin mô tả lại câu chuyện cuộc đời của Enrico Fermi từ khi còn là một cậu học sinh có vẻ ngoài bình thường cho đến khi trở thành một nhân vật nòng cốt trong dự án nghiên cứu và phát triển bom nguyên tử đầu tiên trong Thế chiến II.
Bằng cách liên kết từng chi tiết nhỏ trong tuổi thơ lẫn thuở niên thiếu của nhà khoa học, các tác giả giúp người đọc có cái nhìn rõ hơn và "con người" hơn về Fermi. "Trong khi Fermi dường như không thể sai lầm, ông ấy vẫn là con người", sách viết.
Sinh ra trong một gia đình nông dân tại Rome (Italy), con đường đến với khoa học của Fermi thuở ban đầu yên ả, không ai phát hiện điều gì nổi bật ở cậu ngoài một người bạn thân của gia đình - người đã cho cậu mượn những cuốn sách toán học, hướng dẫn cậu tự học và thuyết phục gia đình để cậu đến với môi trường học thuật. Chỉ sau khi nổi danh, người ta mới nhận ra ông chính là thiên tài vật lý duy nhất của thế kỷ 20 hoàn toàn tự học.
Thầm lặng nhưng kiên định, chỉ với những chi tiết nhỏ, không khó để nhận ra sự khao khát khám phá tri thức đã được bén rễ từ rất sớm. Một cậu bé trầm tính đã không ngại chạy đến chỗ đồng nghiệp của cha để hỏi về các bài toán, say mê nghiên cứu hết cuốn sách này đến cuốn sách khác. Trong khi toán học lên ngôi ở Italy vào thời đó, Fermi vẫn kiên định với vật lý và nắm bắt các cơ hội để trở thành chuyên gia trong bất kỳ chủ đề nào ông nghiên cứu. Hơn cả, ở Fermi còn có sự nhạy cảm, giàu cảm xúc khiến ông luôn cố gắng gắn kết với một vài người bạn có cùng đam mê từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đến khi trở thành những nhà vật lý hàng đầu.
Fermi và vật lý có lẽ sẽ là một áng văn đẹp đẽ và thơ mộng hơn nếu những khám phá của ông không được dùng cho Thế chiến II. Có thể nói những nhà khoa học như Fermi đã định hình lịch sử, nhưng một lịch sử đầy biến động cũng đã định hình bản thân họ. Như hai tác giả Gino Segrè và Bettina Hoerlin nhận định: "Enrico Fermi vừa là người sáng tạo vừa là sản phẩm của thời đại ông".
Fermi vốn không phải là người quan tâm đến các vấn đề chính trị, nhưng khi tài năng nở rộ, cả công việc lẫn cuộc sống cá nhân của ông đều không thể tránh khỏi những biến động khi Thế chiến II nổ ra. Vì vợ là người Do Thái, Fermi buộc phải rời Italy để tránh làn sóng bài Do Thái ở châu Âu và định cư tại Mỹ. Từ đó, Fermi trở thành nhân vật quan trọng trong dự án bí mật nhất của Mỹ: Chế tạo bom nguyên tử.
Suy cho cùng, khoa học vẫn khó có thể tách khỏi chính trị và quân sự. Như bao nhà khoa học hàng đầu thời đó là Einstein, Oppenheimer hay Pauli, Fermi vừa phải có nghĩa vụ với quốc gia ông nhập cư vừa không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của không khí khoa học hăng hái ở Manhattan, dù biết dự án này sẽ quyết định kết quả của cuộc chiến tranh thế giới. Trên thực tế, dự án này đã giúp tên tuổi của Fermi và Oppenheimer đi vào lịch sử như những "cha đẻ của bom nguyên tử", đồng thời cũng đưa họ ra trước sự phán xét nghiêm khắc của lịch sử.
Cuốn sách về cuộc đời và những thành tựu khoa học của Fermi vì thế không chỉ có chất thơ của khoa học - điều đã thay đổi cuộc đời của cậu bé nông dân, mà còn tràn ngập những chi tiết rung động, gây kinh ngạc, lôi cuốn, rất khoa học mà cũng rất đời.
Đây cũng là một trong số nhiều nguồn tư liệu để độc giả ngày nay có thể nhìn thấy thêm góc khuất đằng những nỗ lực đã mở ra thời đại nguyên tử, về những trăn trở của các nhà khoa học khi đứng trước một nguồn năng lượng có thể làm thay đổi thế giới.
Ở góc nhìn của Fermi, tuy luôn trăn trở và đấu tranh với những vấn đề như mối đe dọa hủy diệt hạt nhân và mối quan hệ của khoa học với chính trị, ông vẫn xác định rõ chiến tranh được quyết định bởi ý chí nhiều hơn là vũ khí, và tương lai sẽ quyết định loài người "có sử dụng tốt sức mạnh có được từ thiên nhiên hay không".
Ngạn Bình