Nhà cái nổi tiếng William Hill tuyên bố Giáo hoàng Francis là ứng viên hàng đầu cho giải Nobel Hòa bình năm nay, theo Time. Người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã dẫn trước nhóm tình nguyện viên Mũ bảo hiểm Trắng ở Syria (tỷ lệ đặt cược 5/2, tức hai ăn năm) và Thủ tướng Đức Angela Merkel (tỷ lệ 4/1, tức một ăn bốn).
"Bạn có thể đặt cược vào ba ứng viên hàng đầu trong cuộc cá cược, trong đó tiền cược lớn nhất đang được đặt cho bà Angela Merkel, còn Giáo hoàng Francis thu hút được nhiều khoản cược cá nhân nhất", Rupert Adams, phát ngôn viên nhà cái, nói.
Giải Nobel Hòa bình hàng năm được trao cho một cá nhân hoặc những người "đã làm công việc tốt nhất hoặc nhiều nhất cho tình hữu nghị giữa các nước, cho việc xóa bỏ hoặc giảm các đội quân thường trực và cho việc tổ chức, xúc tiến các hội nghị hòa bình".
Danh sách chính thức các ứng viên được giữ bí mật, nhưng ủy ban Nobel cho biết có 318 ứng viên. Kết quả giải Nobel Hòa bình sẽ được công bố vào lúc 11h ngày 6/10 (16h, theo giờ Hà Nội).
Giáo hoàng Francis đã được kỳ vọng giành giải Nobel Hòa bình kể từ năm 2013, khi ông được chọn giữ chức danh này. Năm nay, Giáo hoàng tiếp tục có những phát biểu kêu gọi lòng trắc ẩn với người tị nạn và di cư. Ông là "Nhân vật của Năm" theo bình chọn của tạp chí Time năm 2013.
Thủ tướng Merkel nằm ở thứ hạng cao trong danh sách các ứng viên được kỳ vọng giành giải Nobel sau khi bà thông báo cho phép một triệu người tị nạn vào nước này trong đợt cao điểm cuộc khủng hoảng tị nạn châu Âu năm 2015. Cũng trong năm này, bà được chọn là Nhân vật của Năm trên tạp chí Time. Năm nay, bà Merkel cho biết bà không hối tiếc về chính sách này, bất chấp cái giá chính trị phải trả, biểu hiện là việc tỷ lệ cử tri bỏ phiếu cho đảng của bà giảm trong cuộc bầu cử quốc hội Đức hồi tháng trước.
Mũ bảo hiểm Trắng được nhiều người dự đoán giành giải thưởng năm ngoái, nhưng người thắng giải cuối cùng là Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos. Nhóm tình nguyện được đánh giá cao nhờ sự dũng cảm cứu giúp dân thường Syria. Hoạt động ở các khu vực phe đối lập kiểm soát, nhóm gần 3.000 tình nguyện viên này thường đào bới các đống đổ nát để tìm người sống sót. Nhóm tuyên bố đã cứu 99.000 mạng người kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria nổ ra năm 2011.
Theo Guardian, những người được kỳ vọng giành giải còn bao gồm Federica Mogherini, cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad, hai "kiến trúc sư" của thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được năm 2015.
Khi căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Triều Tiên, giám khảo có thể chọn trao giải cho họ để ủng hộ nỗ lực mang tính cột mốc nhằm hạn chế phát triển và phổ biến vũ khí hạt nhân. Tổng thống Donald Trump tháng trước gọi đây là một "điều đáng hổ thẹn" và gợi ý có thể rút Mỹ khỏi thỏa thuận này.
Trọng Giáp