"Tôi sẵn sàng đến Moskva", Giáo hoàng nói trong cuộc phỏng vấn với báo Corriere Della Sera của Italy đăng ngày 3/5. "Chúng tôi chưa nhận được phản hồi nhưng chúng tôi vẫn muốn thực hiện đề nghị đó".
Giáo hoàng cho hay khoảng ba tuần sau khi xung đột nổ ra, ông đã yêu cầu các nhà ngoại giao hàng đầu của Vatican gửi thông điệp về cuộc gặp tới Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trước cuộc phỏng vấn, Giáo hoàng Francis, 85 tuổi, chưa bao giờ trực tiếp đề cập đến Nga hay Tổng thống Putin khi nhắc tới cuộc xung đột tại Ukraine. Thay vào đó, Giáo hoàng thường xuyên lên tiếng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, ngừng giao tranh, tôn trọng hòa bình, nhằm hạn chế tối đa thương vong cho dân thường.
Sau hơn hai tháng phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, lực lượng Nga được cho là đẩy mạnh tấn công trên bộ và tiến sâu hơn ở miền đông Ukraine, kiểm soát một số làng và thị trấn tại khu vực này.
Tuy nhiên, một quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định chiến dịch quân sự của quân đội Nga tại khu vực Donbass, miền đông Ukraine, đang tiến triển không đáng kể, không diễn ra như kế hoạch mà Moskva đặt ra.
Nga - Ukraine đã trải qua nhiều vòng đàm phán theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, nhưng vẫn chưa thống nhất được về lệnh ngừng bắn. Moskva đã yêu cầu Ukraine công nhận Crimea thuộc Nga và công nhận độc lập của hai vùng ly khai ở miền đông Ukraine.
Ngoại trưởng Nga hôm 23/4 cáo buộc Ukraine bất nhất trong quá trình thảo luận, cho rằng họ bị Mỹ, Anh thao túng, gây đình trệ đàm phán. Ukraine không bình luận về phát ngôn này nhưng Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định muốn tổ chức họp thượng đỉnh với ông Putin để tìm giải pháp hòa bình.
Hôm 29/4, Tổng thống Ukraine bày tỏ bi quan về tiến triển đàm phán, nói rằng công chúng tức giận về các "tội ác của Nga". Moskva đã nhiều lần bác bỏ tấn công dân thường, khẳng định chỉ nhắm vào mục tiêu quân sự.
Vũ Hoàng (Theo Reuters)