Trong cuốn sách sắp xuất bản, Giáo hoàng cho biết chiến dịch quân sự Nga phát động ở Ukraine hồi tháng hai đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo các cơ chế đa phương hiện nay, đặc biệt là Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tìm ra "những cách thức nhanh chong và hiệu quả hơn để giải quyết mâu thuẫn".
"Trong xung đột, phải khẳng định rằng chúng ta cần chủ nghĩa đa phương hơn cũng như một chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, nhưng Liên Hợp Quốc không còn phù hợp với với 'những thực tế mới'", ông nói.
Theo Giáo hoàng, Liên Hiệp Quốc được thành lập để ngăn chặn những thảm họa tương tự Thế chiến II xảy ra. Nhưng dù mối đe dọa từ những xung đột này vẫn còn, "thế giới đã khác xưa".
"Tầm quan trọng của những cải cách này càng trở nên rõ ràng hơn sau đại dịch" khi hệ thống đa phương hiện tại "đã bộc lộ tất cả các giới hạn của nó", ông nhấn mạnh.
Giáo hoàng cũng chỉ trích việc phân phối vaccine không đồng đều như một "minh chứng rõ ràng" cho quy luật kẻ mạnh nhất chiếm ưu thế so với đoàn kết.
Ông kêu gọi cải cách nhằm cho phép các tổ chức quốc tế xác định lại mục đích thiết yếu của họ là "phục vụ nhân loại", lưu ý rằng các thể chế quốc tế phải là kết quả của "một mối đồng thuận rộng rãi nhất có thể".
Giáo hoàng cũng đề xuất đảm bảo các quyền về lương thực, sức khỏe, kinh tế và xã hội mà các định chế quốc tế sẽ dựa vào đó để đưa ra quyết sách.
Cuốn sách mới của Giáo hoàng Francis, "Tôi nhân danh Chúa cầu xin bạn: Mười lời cầu nguyện cho một tương lai hy vọng", sẽ ra mắt tại Italy vào ngày 18/10.
Vũ Hoàng (Theo AFP)