
Giáo hoàng Francis. Ảnh: EPA
“Là các lãnh đạo tôn giáo, chúng ta phải phản đối mạnh mẽ tất cả những hành động chống lại phẩm giá và quyền con người. Bất cứ hành động bạo lực nào dùng tôn giáo để bào chữa đều đáng bị chỉ trích mạnh mẽ nhất vì đức tối cao là Chúa của cuộc sống và hòa bình", AP dẫn lời Giáo hoàng Francis hôm qua nói với Mehmet Gormez, người đứng đầu về tôn giáo Thổ Nhĩ Kỳ.
Giáo hoàng nhấn mạnh đến việc các phiến quân cực đoan dùng bạo lực với những người Cơ đốc giáo và cộng đồng thiểu số ở Syria và Iraq. Giáo hoàng cũng ca ngợi việc Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa đón những người tị nạn từ Syria chạy sang và nói cộng đồng quốc tế có trách nhiệm tinh thần giúp Ankara hỗ trợ cho họ.
Hôm 25/11, Giáo hoàng Francis cho biết sẵn sàng đối thoại với nhóm khủng bố IS nếu điều đó đem đến hòa bình cho Syria và Iraq.
Nhà nước Hồi giáo tự xưng chiếm giữ một phần lãnh thổ rộng lớn, bao trùm cả Syria và Iraq. Chúng giam giữ tù nhân, tra tấn, thảm sát những dân thường Hồi giáo không phải người theo dòng Sunni và khiến hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa để được an toàn. Trong những đoạn video tuyên truyền và thông điệp trên mạng, IS liên tục cho rằng chúng muốn "xâm chiếm Rome", trái tim của cộng đồng Cơ đốc giáo, và cắm lá cờ đen của tổ chức lên nóc nhà thờ St Peter ở Vatican.
Chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ ba ngày của Giáo hoàng diễn ra vào thời điểm nhạy cảm vì nước này đang phải giải quyết nơi ăn chốn ở cho 1,6 triệu người tị nạn Syria chạy trốn IS sang và trả lời yêu cầu của Mỹ tham gia sâu hơn cùng liên quân chống những phiến quân cực đoan. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang đàm phán với Mỹ về vùng cấm bay dọc biên giới Syria và yêu cầu liên quân đánh đổ chế độ của Tổng thống Syria Bashar Assad.
Khánh Lynh