"Tôi cầu nguyện người dân Syria sẽ được sống trong hòa bình và an ninh trên quê hương họ, rằng những tôn giáo khác biệt có thể chung sống trong tình bằng hữu và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích chung của đất nước, vốn đã chịu hậu quả từ nhiều năm chiến tranh", Giáo hoàng Francis ngày 11/12 nói trong buổi thuyết giảng ở Vatican.
Giáo hoàng Francis cho rằng Syria đang đối diện "thời khắc mong manh" của lịch sử đất nước. Ông kỳ vọng quốc gia 25 triệu dân tại Trung Đông sẽ tìm được giải pháp chính trị, tránh nguy cơ xung đột và chia rẽ tái diễn, đảm bảo thúc đẩy ổn định và đoàn kết.
Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Vatican bình luận về tình hình tại Syria, kể từ khi các lực lượng nổi dậy nước này lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad vào ngày 8/12 và kiểm soát phần lớn lãnh thổ.
Trong những năm qua, Giáo hoàng Francis, người dẫn dắt cộng đồng 1,4 tỷ tín đồ Công giáo trên toàn thế giới, đã nhiều lần lên án tình trạng bạo lực cũng như khủng hoảng nhân đạo trong nội chiến Syria và làn sóng người tị nạn từ nước này.
Hồng y Pietro Parolin, quan chức cấp cao thứ hai của Vatican, hôm 10/12 nhấn mạnh biến động ở Syria đang mở ra "cơ hội quý giá để bắc cầu kết nối" giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại về những diễn biến tại Syria và kêu gọi chính quyền mới ở nước này xây dựng thể chế tôn trọng mọi cộng đồng.
Syria là quốc gia đa tôn giáo, trong đó khoảng 90% dân số theo Hồi giáo. Vatican ước tính cộng đồng Công giáo tại Syria có khoảng 300.000 người.
Trong 14 năm qua, nội chiến Syria đã khiến khoảng 500.000 người thiệt mạng và gần một nửa dân số phải rời bỏ nhà cửa, theo thống kê của AFP.
Lực lượng nổi dậy Syria ngày 10/12 chọn ông Mohammed al-Bashir, từng đứng đầu Chính phủ Cứu rỗi Syria (SSG) của phe đối lập ở tỉnh Idlib, làm thủ tướng lâm thời và lãnh đạo chính phủ chuyển tiếp tới tháng 3/2025. Ông Bashir trong thông điệp đầu tiên đã nhấn mạnh ưu tiên khôi phục "ổn định và bình yên" cho Syria.
Thanh Danh (Theo AFP, Reuters, Vatican News)