Không chỉ tự tin định vị trường đại học đẳng cấp quốc tế, có chất lượng tương đương các trường tinh hoa, Tiến sĩ Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Dự án Đại học VinUni còn cho biết mục tiêu dài hạn của VinUni là vào top 50 trường đại học trẻ hàng đầu thế giới trong 30 năm tới.
- VinUni công bố theo đuổi mô hình đại học tinh hoa. Việc này sẽ được hiện thực hóa thế nào?
- Theo các tiêu chí thế giới công nhận, đại học tinh hoa là nơi "đậm đặc" nhân tài, thu hút các giáo sư, nhà khoa học xuất sắc tầm cỡ thế giới, là trung tâm sáng tạo về giáo dục và nghiên cứu đỉnh cao nên tuyển sinh viên chọn lọc, tính quốc tế hóa cao. Các kết quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của đại học tinh hoa phải mang tính tiên phong, dẫn dắt, có ảnh hưởng và tác động quan trọng tới tiến bộ khoa học kỹ thuật và nền kinh tế tri thức. Bên cạnh đó, đại học tinh hoa có nguồn lực tài chính dồi dào và hệ thống quản trị hiện đại.
VinUni đã xây dựng trên tiêu chí này. Để thực hiện mục tiêu rất khó trên, chúng tôi đã hợp tác với hai trong số 20 trường đại học tinh hoa hàng đầu thế giới là Cornell và Pennsylvania (Penn) để VinUni có nền tảng chất lượng Ivy League ngay từ đầu.
- Có gì đảm bảo VinUni sẽ thực sự đào tạo tinh hoa chứ không phải là "mượn tên" các đối tác, thưa bà?
- Thứ nhất, uy tín và chất lượng đẳng cấp thế giới của Cornell, Penn là một sự khác biệt. Thứ hai, hợp tác của Cornell và Penn với VinUni sâu rộng, toàn diện chứ không đơn thuần liên kết đào tạo. VinUni đồng thời là trường đại học mà Cornell và Penn tham gia trực tiếp từ chương trình, nhân sự đến quản trị.
- Chất lượng Ivy League thể hiện tại VinUni như thế nào?
- Đầu tiên là chương trình giảng dạy. Tại VinUni, các chương trình đào tạo đều phải qua khâu thẩm định và xác thực chất lượng của các giáo sư Cornell và Penn. Tương tự, nhân sự giảng dạy và quản trị cũng do hai trường này hỗ trợ tuyển dụng, trong đó, giảng viên nguồn phải được đào tạo tại Cornell và Penn.
Một số môn quan trọng, sinh viên sẽ học trực tiếp với các giáo sư nổi tiếng của hai trường đối tác. Còn trong suốt quá trình học, sinh viên sẽ có ít nhất một kỳ học tại hai trường Ivy này hoặc trường nước ngoài theo danh sách do Cornell và Penn tư vấn.
Trước mắt, Cornell đã biệt phái GS. Rohit Verma là Viện trưởng phụ trách Đối ngoại của Trường Kinh doanh Cornell SC Johnson sang làm hiệu trưởng của VinUni. Ngoài hiệu trưởng, các giáo sư đầu ngành, giám đốc chương trình một số môn trọng điểm cũng được hai trường này cử sang làm việc với chúng tôi.
- Dù đầu tư bài bản, chuẩn bị công phu và hợp tác chiến lược cùng 2 đối tác hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo tinh hoa nhưng có gì đảm bảo VinUni sẽ trở thành đại học tinh hoa?
- Chúng tôi có cơ sở chắc chắn và lộ trình rõ ràng để không chỉ trở thành đại học tinh hoa mà còn phải tiến xa hơn vào được top 50 trường đại học trẻ hàng đầu thế giới. VinUni cần được xếp loại, và sau đó nhanh chóng xếp hạng bởi các tổ chức đánh giá chất lượng đại học uy tín trên thế giới như QS hay THE. Việc hợp tác với 2 trường top 20 đại học hàng đầu thế giới sẽ giúp chúng tôi đẩy nhanh chất lượng học thuật và đạt chứng chỉ kiểm định.
Tuy nhiên quan trọng hơn hết vẫn là việc đảm bảo sinh viên của VinUni tốt nghiệp được chào đón tại tất cả các nhà tuyển dụng uy tín và các công trình nghiên cứu của VinUni có tác động sâu sắc đến cuộc sống, con người và nền kinh tế tri thức.
- Chi phí đào tạo của VinUni khá cao so với các trường quốc tế tại Việt Nam - 35.000 USD một năm, bà chia sẻ gì về điều này?
- Đầu tiên, phải xác định đại học tinh hoa không dành cho mọi người. Đó là trường đào tạo số ít người tài, mà đào tạo nhân tài đòi hỏi chi phí khổng lồ, đơn cử, học phí trung bình niên khóa 2018 - 2019 của Cornell và Penn lần lượt là 55.188 USD và 55.584 USD một năm. Nếu cộng đủ cả chi phí ăn ở, đi lại, bảo hiểm, học liệu... thì để có được tấm bằng của các trường tinh hoa Mỹ, mỗi sinh viên phải chi trả từ 66.000 USD - 75.000 USD một năm (tương đương 1,5 - 1,7 tỷ đồng).
Con số 35.000 USD một năm của VinUni là chi phí tính trung bình cho tất cả các ngành, nếu tính chi li thì chi phí đào tạo y khoa sẽ tốn kém nhất, trong khi đào tạo quản trị kinh doanh đòi hỏi đầu tư ít hơn. Như vậy, xét tổng thể, tôi cho là chi phí này hợp lý tại Việt Nam, chưa kể sẽ có không ít sinh viên giỏi được Vingroup trao học bổng toàn phần hoặc một phần.
Với những sinh viên nhận học bổng toàn phần, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể chọn làm việc tại bất kỳ nơi nào mà không hề bị ràng buộc bởi Vingroup. Chúng tôi chỉ có một mong muốn tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên yên tâm học tập và phát triển, sau này góp sức cho đất nước.
- Nguồn vốn xây dựng mô hình đại học tinh hoa của VinUni đến từ đâu?
- May mắn là chúng tôi có sự hậu thuẫn mạnh từ Tập đoàn VinGroup và hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận nên không có áp lực về tài chính. Toàn bộ cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, hệ thống công nghệ thông tin và quản trị đại học theo tiêu chuẩn của các trường đại học hàng đầu thế giới đều được Vingroup tài trợ không hoàn lại.
Tập đoàn Vingroup cũng là nhà tài trợ toàn phần cho chương trình học bổng và hỗ trợ tài chính cho sinh viên VinUni cũng như các hoạt động nghiên cứu của trường.
Vingroup xác định tài trợ cho việc đào tạo người tài là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, như cách tập đoàn đã làm Vinmec, Vinschool, VCCA... trước đó. Bởi là một doanh nghiệp Việt Nam, chúng tôi thấy phải có trách nhiệm góp phần vào việc thúc đẩy, đào tạo và phát triển nhân tài một cách chủ động ngay tại Việt Nam.
Thế Đan