Theo Gia phả họ Bùi - Đậu Liêu, Bùi Cầm Hổ quê ở xã Đậu Liêu, huyện Thiên Lộc, nay thuộc thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1390, khi mẹ ông trở dạ, trong nhà nghe tiếng hổ gầm, người thân sang chùa thỉnh cầu nhà sư, được báo là điềm lành. Các thành viên trong gia đình sau đó đặt tên bé trai vừa sinh là Bùi Cầm Hổ, nghĩa là "họ Bùi bắt được hổ".
Cậu bé Hổ từ nhỏ nổi tiếng sáng dạ, văn hay, chữ tốt, lớn lên được bố mẹ cho ra kinh đô Thăng Long học, với kỳ vọng sẽ đậu khoa bảng. Khi đang dùi mài kinh sử, Bùi Cầm Hổ tình cờ nghe câu chuyện anh lái buôn đi làm xa lâu ngày về được vợ nấu cháo lươn cho ăn rồi đột ngột qua đời. Người vợ sau đó bị tố giác đầu độc giết chồng, quan xử kiện đề nghị giam vào ngục.
Bùi Cầm Hổ tự đi tìm hiểu, biết vụ án có nhiều uẩn khúc nên lên công đường xin gỡ tội cho người vợ, trình bày cô vợ không có ý đồ xấu, chỉ là nấu nhầm lươn độc. Ông yêu cầu mua những con lươn vàng, cổ chấm đen lốm đốm, đầu cao như đầu rắn đưa đến công đường, đề nghị quan xử kiện sai lính làm thịt lươn nấu cháo cho tử tù ăn. Kết quả, tử tù chết, người phụ nữ được minh oan.
Vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) sau khi nghe tấu trình về cậu học trò giải án oan giết người thì rất phục, mời Bùi Cầm Hổ vào triều trọng thưởng, đặc cách ban cho chức quan Ngự sử, dù thời điểm đó ông chưa thi đỗ.
Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú ghi, Bùi Cầm Hổ là người "cứng cỏi, bạo nói, không sợ quyền thế". Thời vua Lê Thái Tông, tể tướng Lê Sát lợi dụng là công thần dưới thời vua cha Lê Thái Tổ, thao túng triều đình, giết hại nhiều vị quan có tài khiến ai cũng e sợ. Bùi Cầm Hổ đã chỉ trích sự chuyên quyền của Lê Sát, bị điều đi làm An phủ sứ Lạng Sơn, vùng rừng núi hẻo lánh.
Khi vua Lê Thái Tông lớn, biết được âm mưu của Lê Sát nên cùng các quan kìm hãm quyền lực của Tể tướng, bãi chức năm Đinh Tỵ 1437, xử tử. Bùi Cầm Hổ khi được phục chức đã tâu lên vua, cho rằng Lê Sát tội đáng phải chết, song vẫn là công thần lập quốc nên cho tự tử ở nhà tránh tiếng chê cười cho đời sau. Nhà vua sau đó chấp thuận, khen ông là người trọng nghĩa, cương trực.
Bùi Cầm Hổ được sử sách đánh giá là nhà ngoại giao có tài, từng được cử đi sứ nhà Minh. Năm 1438, quan tổ châu Tư Lãng phủ Thái Bình (thuộc Quảng Tây ngày nay) nổi loạn, Bùi Cầm Hổ đã sang tố cáo vua Minh việc vị quan này định vượt biên lấn chiếm nước Nam, giải quyết ổn định vùng biên.
Gia Phả Họ Bùi ghi, năm 1459, khi 70 tuổi, Bùi Cầm Hổ từ quan, về quê phường Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh ngày nay) sinh sống. Vùng đất này thời tiết khắc nghiệt, nắng thì khô hạn, mưa thì ngập lụt, đời sống nhân dân đói kém do thiếu nước làm ruộng.
Nhận thấy nước mưa từ núi Hồng Lĩnh thường chảy ra huyện Nghi Xuân rồi đổ ra biển, Bùi Cầm Hổ chỉ đạo dân làng đắp một bờ đá chắn dòng, xẻ núi đào khe Nhà Trò để dẫn nước mưa từ trên núi về cánh đồng ở Hồng Lĩnh. Từ đó, nơi đây có công trình thủy lợi, hàng nghìn mẫu ruộng đầy ắp nước, hoa màu tốt tươi, người dân khai khẩn thêm đất hoang, đời sống cải thiện vì được mùa liên tiếp.
Bùi Cầm Hổ mất năm 1483, thọ 93 tuổi, được triều đình phong là Thượng đẳng phúc thần. Đền thờ ông ở dưới chân núi Bạch Tỵ (phường Đậu Liêu) do người dân lập, từng bị hư hỏng bởi chiến tranh, nay được phục dựng. Năm 1992, đền được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, được cho là chốn tôn nghiêm và linh thiêng, nơi nhiều người dân đến thắp hương, chiêm bái.
Ông Bùi Phan Vượng, 56 tuổi, cháu đời thứ 22 của Bùi Cầm Hổ, đầy tự hào khi nhắc về tổ tông. Hàng năm họ Bùi và chính quyền địa phương đều tổ chức lễ báo ân cho Bùi Cầm Hổ vào tháng chạp (âm lịch), rất đông con cháu ở nhiều tỉnh thành tụ về tưởng nhớ.
Hiện trong đền thờ Bùi Cầm Hổ lưu giữ 38 đạo sắc phong, áo bào, đai mũ, đôi hia, đao kiếm của các vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông ban tặng cho tổ tông thời còn làm quan ngự sử. Con cháu xem những di vật trên là vô giá nên cử người trông coi cẩn thận, mỗi khi tế lễ mới trưng bày, thỉnh thoảng đưa ra cho các nhà văn hóa nghiên cứu tư liệu.