Quan tâm bài viết "Thi lớp 10 ở Hà Nội: 8 điểm mỗi môn vẫn trượt, 3 điểm đỗ", thầy Nguyễn Hoàng Chương, Hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát (Bảo Lộc, Lâm Đồng) chia sẻ kinh nghiệm tổ chức giảng dạy ở trường có đầu vào thấp.
Hàng năm, các tỉnh thành tổ chức thi, xét tuyển, thi kết hợp với xét tuyển để tuyển sinh lớp 10 cho năm học mới. Có địa phương tuyển sinh theo quận huyện, có địa phương chia khu vực tuyển sinh, chẳng hạn trên cùng quận huyện, trường X chỉ được tuyển học sinh lớp 9 ở các xã phường A, B, C; trường Y chỉ được tuyển sinh ở các xã phường D, E, F...
Các trường THPT ở trung tâm, trường có cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ giáo viên vững vàng, có thương hiệu thì số học sinh đăng ký xét tuyển bao giờ cũng cao, lẽ tất nhiên trong số này có nhiều học sinh khá, giỏi. Trong khi đó các trường vùng ven, trường có chất lượng thấp, số học sinh đăng ký xét tuyển không nhiều, có trường không đạt chỉ tiêu được giao. Lâm vào tình cảnh đó, khó trăm bề, số lớp giảm, biên chế giảm, ngân sách cũng giảm.
Sở Giáo dục và Đào tạo khi duyệt chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 cần tính toán hợp lý để các trường khó có thể tuyển đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, các trường THPT trong hoàn cảnh đó phải chủ động, có biện pháp thu hút học sinh.
Thứ nhất, cần nhìn vào thực tế học sinh có đầu vào lớp 10 thấp thường không chăm học, có em nghịch, thậm chí cá biệt, có em gia đình khó khăn (ba mẹ ly hôn, con em mồ côi, gia đình làm ăn thua lỗ, phụ huynh phạm pháp bị bắt giam). Nhà trường qua hoạt động ngoại khóa, giảng dạy chính khóa cần giúp học sinh yên tâm, tự tin rồi dần dần thấy vui khi đến trường. La mắng nhiều, học sinh chán, tuyển sinh được đã khó, duy trì sĩ số càng khó hơn. Học yếu, sợ thầy cô phạt, lo bị ghi tên vào sổ đầu bài..., học sinh cúp học, lêu lổng rồi bỏ học.
Thứ hai, cần xây dựng trường lớp khang trang, sạch sẽ, nhiều cây xanh, đầu tư phát triển thư viện, tổ chức các hoạt động tư vấn học sinh và phụ huynh, chú trọng hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, văn hóa đọc (thông qua các môn học tự chọn). Ban giám hiệu, phụ trách các đoàn thể sâu sát với học sinh, giải quyết kịp thời các tình huống, nắm bắt nguyện vọng học sinh để giúp đỡ.
Thứ ba, nhà trường cần hướng dẫn học sinh cách học trên lớp, học ở nhà, phát triển mô hình dạy học hai buổi một ngày nếu có điều kiện. Học sinh yếu lớp 9 khó khăn khi học chương trình lớp 10. Các môn Toán, Vật lý, tiếng Anh, Văn nội dung khó, trừu tượng, đòi hỏi suy luận, những em chỉ 3 điểm một môn chưa thể đáp ứng. Nhưng chớ coi thường các em, nếu biết khai thác tiềm năng, trong số "ngựa chứng" sẽ có ngựa hay. Thực tế cho thấy có học sinh yếu ở THCS, nhưng ở THPT nhiều em vươn lên trung bình, khá và cao hơn. Ngược lại, có học sinh học giỏi cấp THCS, vào THPT các em không phát huy được, lực học yếu dần...
Thứ tư, nhà trường, thầy cô nên tổ chức dạy, ôn luyện, kiểm tra vừa sức, ghi nhận những cố gắng của học sinh dù nhỏ. Khi các em tự tin rồi mới nâng dần yêu cầu. Tổ (nhóm) chuyên môn thiết kế lại chương trình theo hướng tinh gọn, bám sát yêu cầu biết, hiểu; giãn tiết nội dung khó, tăng các tiết thực hành, luyện tập giúp học sinh hiểu bài, rèn kỹ năng. Yêu cầu học sinh phù hợp nhưng dạy thật, học thật. Trường chất lượng thấp mà bệnh thành tích thì không thể tiến bộ, và như vậy làm sao phụ huynh, học sinh chọn vào để theo học?
Thứ năm, dạy học sinh yếu cần thầy cô kiên trì, nóng vội là thất bại. Mỗi tiết học, dành ít phút ổn định lớp giúp học sinh tập trung, giáo viên nên cười nhiều, kể chuyện cho học sinh nghe, dành thời gian để các em chia sẻ (đừng lo cháy giáo án, học sinh yếu phải có chương trình đặc thù cho từng lớp). Tận tâm với học sinh, thầy cô tìm kiếm tài liệu, nghiên cứu giáo pháp, trao đổi với đồng nghiệp trong trường, quá trình ấy giúp thầy cô phát triển năng lực nghề nghiệp.
Thứ sáu, các tổ chức đoàn, hội phối hợp với nhà trường rèn luyện học sinh về nề nếp, giao tiếp với bạn bè, ứng xử trên mạng xã hội, giữ gìn vệ sinh trường lớp, lễ phép với thầy cô, phát triển văn hóa giao thông. Giao việc cho học sinh, được làm việc các em vui, tin tưởng thầy cô, đến trường đều hơn, ngăn nắp hơn, chăm học hơn. Có biện pháp trợ giúp học sinh khó khăn từ các nguồn tài trợ, tiết kiệm khoản chi trong nhà trường. Mỗi món quà Tết, tập vở, sách, dụng cụ học tập, thầy cô trao tặng có thể quên, nhưng học sinh được trao thì không bao giờ quên.
Làm đều tay, học sinh dần tiến bộ qua mỗi năm học, điểm chuẩn vào trường rồi sẽ tăng dần. Với giáo dục, những thách thức chính là cơ hội tốt. Đừng quên giáo dục bây giờ sự cạnh tranh không kém phần gay gắt, có chiến lược cạnh tranh đó là con đường để nhà trường phát triển.
Năm 2019, Hà Nội có 85.870 thí sinh dự thi lớp 10 THPT công lập (tính cả thí sinh được xét tuyển thẳng). Tổng chỉ tiêu vào các trường công lập và công lập tự chủ là 67.230. Đây là năm đầu tiên thành phố chỉ sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào lớp 10 công lập, không tính điểm rèn luyện và học tập của học sinh ở bậc THCS; và cũng là lần đầu tiên thí sinh phải thi bốn môn gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và Lịch sử.
Điểm chuẩn vào lớp 10 công lập cho thấy sự chênh lệch rất lớn giữa các trường thuộc quận trung tâm, vùng ven và nông thôn. Nếu như học sinh thi vào trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ) phải đạt trung bình 8,125 điểm mới đỗ thì thí sinh đăng ký trường Đại Cường (huyện Ứng Hòa), Mỹ Đức C (Mỹ Đức) hay Minh Quang (Ba Vì) chỉ cần 2,7 điểm.
Trường có điểm chuẩn thấp nhất của quận Hoàn Kiếm là THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm (42,5 điểm) cũng cao hơn trường lấy điểm trúng tuyển cao nhất của huyện Thanh Oai (THPT Thanh Oai A) tới 13 điểm.
TS Nguyễn Hoàng Chương