Nguyễn Tiến Dũng, lớp 12A1 Phan Bội Châu (Nghệ An), đang dẫn đầu cả nước về điểm xét tuyển đại học khối B với 29,15, trong đó Toán 9,75; Hóa 9,8 và Sinh 9,6. Ngoài ra, điểm khối A của em rất cao, với 28,35.
Luôn nở nụ cười hiền, Dũng kể không mấy bất ngờ với kết quả. Kết thúc các môn thi, em tự chấm bài và dự đoán được điểm số. Duy nhất môn Toán, em tự chấm được 10 điểm, nhưng kết quả là 9,75. “Em rất tiếc vì Toán là môn sở trường và yêu thích nhất lại không đạt điểm tuyệt đối. Có lẽ em bị sai chút nào đó ở câu cuối cùng trong bài làm…”, Dũng nói.
Nam thí sinh kể, hôm cụm thi Đại học Vinh công bố điểm, em đang đi chơi xa, truy cập mạng xem điểm xong thì lập tức gọi điện về thông báo cho mẹ đang đi làm ruộng và tiếp tục thông báo cho bố đang đi lái xe.
Một trong những cách làm bài thi đạt kết quả cao nhất, theo Dũng, đó là chia thời gian hợp lý. “Đầu tiên phải nhìn tổng quan để nhận xét đề. Tiếp theo sẽ lần lượt làm các câu hỏi từ dễ đến khó. Câu dễ sẽ được làm một cách nhanh nhất có thể, sau đó đến các câu khó dần được chia thời gian phù hợp. Câu khó nhất sẽ được dành nhiều thời gian nhất”, chàng trai bật mí.
Và quan trọng nhất theo Dũng là phải chuẩn bị kiến thức. Ngoài kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa và thầy cô giáo truyền đạt, em tham gia học nhóm với các bạn và tìm rất nhiều tài liệu nâng cao để học hỏi. “Trước kỳ thi, em đã luyện 50 đề thi thử môn Toán; các môn Hóa, Lý, Sinh mỗi môn tầm 70 đề. Vì vậy em không bất ngờ trước các dạng bài trong đề thi năm nay”, chàng trai kể.
Khi được hỏi vì sao dự thi cả hai khối để xét tuyển đại học, Dũng cho biết trước lúc đi thi bản thân và gia đình còn đắn đo. Trong khi bố mẹ muốn con trai theo nghiệp công an, em lại ước mơ trở thành bác sĩ.
Giọng chùng xuống, Dũng kể vào năm lớp 10 đã chứng kiến cảnh một người anh trong họ mắc khối u phải đi bệnh viện. Thấy bà con lối xóm mắc nhiều bệnh phải nhập viện, có người khó khăn không thể chuyển lên tuyến trên nên không qua khỏi, Dũng đã ước ao trở thành bác sĩ để thăm khám cho họ. Dù điểm khối A cao nhưng em đã thuyết phục bố mẹ đồng ý cho xét tuyển vào Đại học Y Hà Nội.
Là con thứ hai trong gia đình, dưới Dũng còn một em gái, những năm cấp 1 và 2, cậu học trò Nguyễn Tiến Dũng theo học trường làng tại xã Nghi Ân (TP Vinh). Vì bố hay đi lái xe thuê, mẹ kiêm đồng áng và chạy chợ nên những buổi không phải lên lớp, em tranh thủ giúp việc nhà và trông em gái. Thành tích tốt nhất của em là học sinh giỏi thành phố môn Toán năm lớp 9.
Dù sở trường về môn Toán, nhưng Dũng học đều các môn của khối A và B. Bởi vậy nhiều bạn trong lớp ở trường chuyên Phan Bội Châu đã đặt cho chàng trai biệt danh “Dũng trâu bò” với hàm ý học rất khỏe và học đều các môn, lại có tài thức khuya mà không khi nào kêu mệt mỏi. "Các bạn đặt biệt danh Dũng trâu bò còn có một ý nghĩa khác, đó là muốn nói em khỏe như trâu bò và bởi bụng em 6 múi", nam sinh dí dỏm nói.
Thời gian biểu của Dũng trong ba năm cấp 3 gần như không thay đổi. Sáng thức dậy em đạp xe cách nhà hơn 10 cây số để tới trường theo học hai buổi. Ban đêm về nhà em dành thêm khoảng 3-4 giờ đồng hồ học bài và kết thúc ngày học vào khoảng 24h đêm.
Đánh giá về học trò, thầy giáo chủ nhiệm Phan Văn Thái cho biết, Dũng có tố chất thông minh và khả năng tự học rất cao. Cậu rất gần gũi với bạn bè, thầy cô.
Một cán bộ của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay, chưa có kết quả về thủ khoa các khối trong kỳ thi THPT quốc gia 2016. Tuy nhiên, với số điểm hiện tại hai thí sinh của lớp 12A1 trường Phan Bội Châu là Trần Quỳnh Trang khối A 29,4 và Nguyễn Tiến Dũng khối B 29,15 đang là ứng cử viên số 1 cho thủ khoa cả nước.
Hải Bình
Xem thêm:
>>Thành lập hội đồng kiểm tra thí sinh được 10 điểm Lý, 0 điểm Toán
>>Lớp duy nhất ở Nghệ An có thí sinh đạt 29,4 điểm xét tuyển đại học