Ths Lê Thị Thu (THCS và THPT Nguyễn Tất Thành) đánh giá, đề Lịch sử thi THPT quốc gia 2017 được xây dựng theo ma trận đề hợp lý, bám sát chương trình học và các mức độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Nội dung cơ bản được trải đều trong các chủ đề lịch sử, xoáy vào những vấn đề trọng tâm nhất.
Trong đó phần Lịch sử thế giới (1945-2000) với 12 câu hỏi, đã bám sát được nội dung quan trọng và các sự kiện tiêu biểu có tác động mạnh đến tình hình quốc tế như: Chiến tranh lạnh, phong trào giải phóng dân tộc, cách mạng Khoa học - công nghệ, Liên Hợp Quốc… Ngoài ra, đề còn đảm bảo tính đầy đủ với một số câu hỏi có nội dung về quốc gia, khu vực: Mỹ, Nhật, Liên Xô. “Xét về số lượng câu hỏi của phần lịch sử thế giới và nội dung bao quát thì đề thi đảm bảo tính khoa học và hợp lý về nội dung, mức độ nhận thức”, Ths Thu nhận xét.
Phần lịch sử Việt Nam có 28 câu, nội dung bao quát từ 1919 đến 2000. Trong đó giai đoạn 1919-1945 chiếm 13 câu (32% đề thi) đề cập đến các đảng phái chính trị, vai trò của Đảng và các cao trào cách mạng. Giai đoạn này được chú trọng, xoáy sâu vào mức độ hiểu và vận dụng của học sinh.
Số lượng câu hỏi được tập trung ở giai đoạn 1945-1975 (12 câu). Đây là giai đoạn trọng tâm với kiến thức khó. Nội dung các câu hỏi đề cập đến những vấn đề chủ chốt như: âm mưu của Pháp và Mỹ với các chiến lược chiến tranh: “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh”; chủ trương của Đảng; các chiến dịch quân sự lớn (Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh)... Đề cũng có sự so sánh giữa các nội dung trong cùng một chủ đề.
Giai đoạn 1975-2000 chiếm 3 câu, tập trung vào vấn đề đổi mới và thống nhất đất nước về mặt nhà nước.
“Nhìn chung, đề thi THPT quốc gia năm 2017 môn Lịch sử hay, khoa học, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ mức độ nhận thức, nhằm phân loại chất lượng học sinh. Tuy nhiên, số lượng câu hỏi ở mức độ vận dụng chưa nhiều. Học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản có thể dễ dàng làm được 7 điểm”, cô giáo Lịch sử nói.