Sáng nay, thí sinh Hà Nội vượt qua môn Địa lý 180 phút trong tiết trời dịu mát. Hết 2/3 thời gian, điểm thi Đại học công nghệ giao thông vận tải (Triều Khúc, Thanh Xuân) thuộc cụm Đại học Thủy lợi chủ trì lác đác có em hoàn thành môn thi sớm.
Phương Linh (THPT Kim Liên) rời phòng thi trong tâm trạng thoải mái. Linh cho biết đề có 4 câu, không mang tính đánh đố và cần thí sinh thường xuyên cập nhật thời sự, chăm đọc thông tin về khoa học, tình hình nông nghiệp.
Câu 1 yêu cầu nêu các biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học, Linh đưa vào thông tin về các loại động vật quý hiếm như tê giác, sếu... bị tác động của ô nhiêm môi trường. Câu biểu đồ chiếm 3 điểm cũng không yêu cầu thí sinh phải xác định loại biểu đồ cần vẽ mà ra sẵn là vẽ biểu đồ tròn. Các em chỉ cần sử dụng Atlat thành thạo và vẽ biểu đồ chính xác là có thể đạt điểm trung bình.
"Ý cuối cùng của đề hỏi vì sao thời gian qua xâm nhập mặn lại diễn ra nghiêm trọng tại đồng bằng sông Cửu Long. Phần này mang tính thời sự, em cũng dự đoán được nên học khá kỹ và tự tin làm bài", Linh cho biết.
"Nếu muốn lấy điểm câu đó, em nghĩ không chỉ dựa vào sách giáo khoa là trả lời xong mà còn cần cập nhật thông tin từ báo chí, như việc xây đập thủy điện quá nhiều, tác động của con người đến dòng chảy của sông Mê Kông", thí sinh tên Chí Thành đánh giá và cho biết làm được khoảng 70%.
Cười tươi rói, Vũ Thùy Trâm thi tại Đại học Sư phạm cho biết, đề năm nay dễ, chỉ cần chăm đọc báo, xem tivi là có thể viết tốt. "Phần xâm nhập mặn bọn em ôn khá kỹ, ngoài ra em còn lưu tâm đến vấn đề cá chết, ô nhiễm môi trường biển", Trâm cho hay. Cô dự định sẽ dùng kết quả thi vào Khoa Giáo dục Tiểu học của trường này luôn. Thi môn Sử cuối cùng nên Trâm khá thoải mái.
Em Lê Xuân Tài (THPT Xuân Mai) thi tại Đại học Lâm nghiệp làm hết bài. "Song phần biểu đồ hình tròn đòi hỏi tính toán nên cũng khá khó. Em dự đoán mình được khoảng 6 điểm", Tài nói.
Tại TP HCM, 10h, trước cổng trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh), hơn trăm thí sinh rảo bước trên con hẻm nhỏ trở về nhà sau giờ thi. Nhiều em tụ tập với bạn bè, giở Atlat Địa lý Việt Nam bàn luận về đề Địa năm nay. Hầu hết thí sinh tỏ ra thoải mái vì đề không quá khó, các câu hỏi khá hay.
Thi Địa lý để xét tuyển đại học khối C, Bảo Trâm (ngụ quận 3) ôn tập rất kỹ các bài tập cơ bản là xác định các vấn đề dựa vào Atlat Địa lý và vẽ biểu đồ, nên tự tin "ẵm" trọn 5 điểm ở hai câu hỏi 2 và 3. Riêng câu hỏi số 4, ở ý thứ hai về tình trạng xâm nhập mặn của Đồng bằng sông Cửu Long, Bảo Trâm đã có sự chuẩn bị kỹ. "Em cũng hay đọc báo và thấy đây là vấn đề thời sự nổi bật từ đầu năm tới nay. Em đã ghi ghép để có nhiều tư liệu về nguyên nhân gây ra tình trạng này nên trả lời câu hỏi khá tốt", nữ sinh chia sẻ.
Trong khi đó, những thí sinh chọn Địa lý làm môn tự chọn xét tốt nghiệp cũng tự tin đạt điểm 6. Những thí sinh này lại bỡ ngỡ với câu hỏi về xâm nhập mặn. "Do em xác định thi để tốt nghiệp nên chỉ ôn kỹ kiến thức trong sách giáo khoa thôi, em ít tìm hiểu bên ngoài. Nhưng với đề này em tin mình sẽ đạt trên 6 điểm", Vinh My (ngụ quận 3) cho hay.
Kết thúc buổi thi trong tiết trời nắng gắt, nhiều thí sinh Đà Nẵng chuyên khối A "than" đề khó, tuy nhiên những học sinh thường xem thời sự, đọc sách báo thì cười tươi.
Phạm Thị Thanh Nga, thí sinh chuyên khối C của trường THPT Quang Trung, nhận định đề Địa lý năm nay sát thực tế, chủ yếu là kiến thức trong sách giáo khoa và hiểu biết xã hội. Câu hỏi về biểu đồ phù hợp với thí sinh. "Đề có những câu phân loại, phù hợp với kỳ thi 2 trong một", Nga nói.
Nữ sinh này tỏ ra thích thú với câu hỏi liên quan đến thực tế xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. "Em có theo dõi thời sự qua tivi, đọc báo nên coi như trúng tủ", Nga nói và cho biết em đưa ra nhiều giải pháp khắc phục thực trạng xâm nhập mặn như cải tạo đất do mùa khô kéo dài, xây các bể chứa nước để cung ứng cho người dân.
Là thí sinh tự do, Nguyễn Văn Oanh (lính nghĩa vụ tại Vùng 3 Hải quân), đánh giá đề Địa lý có tính phân loại học sinh khá rõ rệt. Những câu đầu thì kiến thức cơ bản, nhưng những câu sau khó dần. Câu về biểu đồ phải mất nhiều thời gian để tính toán số liệu.
Thực trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long là một câu chuyện thời sự. "Ở đơn vị em thường xuyên xem tivi, nên khá thuận lợi khi làm câu hỏi này. Bài thi đạt khoảng 60%", Oanh tự nhận xét.
Trong khi đó, thí sinh tự do Nguyễn Đình Quang (lính nghĩa vụ tại Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 3) cho biết câu về tình trạng xâm nhập mặn em đưa ra giải pháp tách nhiều ô nhỏ để rửa mặn, thau chua nơi cửa sông giáp biển.
Tại Thanh Hóa, gần 6.300 học sinh ở cụm thi số 34 Đại học Hồng Đức bước vào môn thi Địa lý trong tiết trời mát mẻ. Theo đánh giá của nhiều học sinh, đề Địa lý năm nay khá sát chương trình phổ thông và vừa sức. Mới hết 2/3 thời gian nhưng hàng trăm thí sinh ở Cơ sở 1, Đại học Hồng Đức đã nộp bài ra về, nhiều em trong tâm trạng phấn chấn vì hoàn thành tốt phần thi.
"Em thi khối D, hoàn thành được khoảng 80% câu hỏi", Thùy Ngân (THPT Cẩm Thủy 2) nói và cho hay, đêm qua ôn lại kiến thức em học rất kỹ phần nói về các vùng kinh tế, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long nên đã "trúng tủ".
Tại Hà Tĩnh, hơn 11.000 thí sinh tham gia làm bài thi môn Địa lý. Khoảng 9h30, trời đổ mưa, nhiều thí sinh ra sớm. Theo đánh giá của các sĩ tử, đề thi địa lý năm nay khá dễ, nhiều em mất thời gian 1 tiếng để hoàn thành xong bài thi.
Một thí sinh hội đồng thi trường THPT Nghèn chia sẻ, tâm đắc nhất trong đề thi địa lý là câu hỏi về vấn đề xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. "Đây là câu hỏi rất có ý nghĩa, nói về hiện tượng biến đổi khí hậu ở nước ta, đến công ăn việc làm của người dân, nó khuyến khích chúng ta cùng bảo vệ môi trường", thí sinh nói.
Tại Cần Thơ, làm xong bài sau 2/3 thời gian, Nguyễn Thanh Bình (Thốt Nốt) nói đề tương đối dễ, em làm được 80%. "Câu 4 là khó nhất nhưng cũng thực tế, đặc biệt là vấn đề xâm nhập mặn, nước biển dâng, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng ở miền Tây. Ai theo dõi thông tin thời sự là làm được", Bình nhận xét.
Còn thí sinh Trần Huỳnh Thu Sương (Vĩnh Thạnh), một trong những thí sinh ra sớm nhất, tự tin: "Em làm xong bài sau 2 tiếng, có thể đạt 8-8,5 điểm".
Cô giáo Trần Thị Hoa, giáo viên trường THPT Nhân Chính (Hà Nội) cho biết rất hài lòng với đề thi Địa năm nay vì có chất lượng tốt, phân hóa cao và phổ kiến thức rộng. Đề vừa sức với học sinh, đối với học sinh tốt nghiệp các em có thể làm được những câu như câu đọc Atlat, vẽ biểu đồ. Ý 2 của câu 1 về phân tích ảnh hưởng tích cực đô thị hóa đến xã hội học sinh có thể vận dụng kiến thức xã hội để trả lời được.
"Như vậy không chỉ là học vẹt mà học sinh có thể hiểu vận dụng tư duy để trả lời. Vì vậy tôi tin học sinh có thể đạt điểm 5 trở lên", cô Hoa nói.
Tuy nhiên theo cô đề cũng có sự phân hóa cao, phân hóa ngay như ý 1 câu đọc Atlat yêu cầu kể tên trung tâm công nghiệp và quy mô của các trung tâm ở Đồng bằng sông Hồng. Học sinh phải vừa kể tên vừa kể được giá trị của nó. Các em phải suy nghĩ kĩ mới có thể trả lời chính xác được.
Còn câu phân hóa mang tính thời sự cao là câu số 4 về ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm và tài nguyên đất đồng bằng Sông Cửu Long đối với phát triển nông nghiệp cũng như việc giải thích tại sao đồng bằng Sông Cửu Long lại có tính xâm nhập mặn. Theo cô Hoa, đây là vấn đề cả nước đang rất quan tâm, nên học sinh sẽ đặc biệt chú ý ôn tập, tuy nhiên, phải lắng nghe, vận dụng và hiểu thì mới có thể trả lời được câu hỏi này tốt được.
"Điều đó làm tôi cảm thấy rất thích và đánh giá tốt về đề thi năm nay. Tôi nghĩ đề thi năm nay phân hóa cao hơn năm trước, điểm trung bình từ 5-7 sẽ nhiều hơn, nhưng để đạt điểm 9,10 sẽ ít hơn", cô chia sẻ.
Thầy Phạm Văn Hào (giáo viên Địa lý trường THPT Thành Nhân, TP HCM) cũng nhận xét đề thi Địa năm nay hay, vừa sức với thí sinh và bám sát chương trình. "Thí sinh chỉ học chương trình giáo khoa cũng dễ đạt điểm 6. Hai câu hỏi với tổng số 5 điểm là cho sử dụng Atlat Địa lý xác định và vẽ biểu đồ, thí sinh rất dễ kiếm 4 điểm", thầy Hào nói.
Với các thí sinh thi Địa lý để xét tuyển đại học sẽ đạt từ 7-8 điểm vì các em có sự đầu tư kỹ lưỡng cho môn này. Song, thầy Hào cho rằng, để cạnh tranh vào được đại học, các thí sinh phải "hơn thua" nhau ở câu hỏi số 4 (3 điểm) với hai câu hỏi nhỏ khá hay.
Nam giáo viên này cũng tỏ thích thú với câu hỏi liên hệ thực tế về tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. "Câu hỏi này có tính phân hóa cao, đòi hỏi thí sinh có tư duy, có kiến thức xã hội và liên hệ thực tế tốt", thầy Hào nói.
Còn thầy Quan Văn Út - Trường Phổ thông Thực hành Sư phạm (thuộc đại học Cần Thơ) cũng cho rằng, đề thi năm nay vừa sức, dễ hiểu, không đánh đố học sinh, tuy nhiên cũng có sự sàng lọc khá cao. Theo đó, số lượng thí sinh đạt 5-7,5 điểm sẽ nhiều nhất.
"Đặc biệt câu 4 có phần liên hệ thực tế về vấn nạn xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long là rất hay, rất thời sự, không nằm ngoài dự đoán của nhiều giáo viên. Biến đổi khí hậu, nước biển dân đang là vấn đề nóng của cả nước, khu vực và được cả thế giới quan tâm", ông nói.
Nhóm phóng viên