Chiều 9/9, ông Phạm Ngọc Phương, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT công bố phương án đổi mới căn bản thi cử, trong đó quan trọng nhất là tổ chức một kỳ thi quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học sử dụng làm căn cứ tuyển sinh thay vì tổ chức hai kỳ thi để thực hiện hai mục đích riêng rẽ như trước đây.
Không giống dự thảo đã đưa ra lấy ý kiến người dân, phương án chính thức quy định mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (gọi là các môn thi tối thiểu) gồm: 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn trong Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo.
Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn còn lại để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định trong Đề án tuyển sinh của trường.
Với những học sinh, học viên không được học Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng thì không bắt buộc phải thi. Thí sinh được chọn môn thay thế trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.
Thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định do Bộ GD&ĐT công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ.
Kỳ thi THPT quốc gia hàng năm sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 6. Năm 2015, kỳ thi diễn ra vào các ngày 9-12/6. Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, thí sinh thi tự luận, thời gian 180 phút. Các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ thi trắc nghiệm, thời gian 90 phút.
Công tác đề thi tiếp tục được đổi mới theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở; giảm dần yêu cầu ghi nhớ máy móc số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Nội dung câu hỏi đảm bảo cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, vừa có phần cơ bản đáp ứng cho hầu hết thí sinh, vừa có phần nâng cao nhằm phân hóa trình độ học sinh phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Do đó, trước mắt học sinh chưa phải thay đổi nhiều trong cách học hay phải bổ sung kiến thức gì ngoài chương trình phổ thông.
Về việc xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Khảo thí, cho biết các sở GD&ĐT kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Trước ngày 1/1 hằng năm, các trường ĐH, CĐ công bố mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh.
Căn cứ kết quả thi, Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn. Các ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi dựa trên ngưỡng điểm này để tuyển sinh theo quy định. Thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng cá nhân dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh của trường ĐH, CĐ và kết quả thi của mình. Các trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo các phương thức khác phải xây dựng và công bố Đề án tự chủ tuyển sinh theo quy định.
Ông Trinh giải thích thêm, do điểm thi của thí sinh trong kỳ thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, nên thí sinh sẽ thi quốc gia trước, đăng ký tuyển sinh vào ngành và trường ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi quốc gia. Như vậy, đối với tuyển sinh ĐH, CĐ đã tách khâu thi và khâu xét tuyển, tạo cơ hội cho thí sinh vào học các trường ĐH, CĐ phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình, tránh sự rủi ro như những năm trước đây có những thí sinh điểm thi cao nhưng vẫn có thể trượt ĐH.
Việc coi thi, chấm thi được tổ chức theo cụm. Bộ GD&ĐT sẽ công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức cho các trường đại học đủ năng lực. Tại các địa phương không có cụm thi do trường đại học chủ trì, để tạo điều kiện cho thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT sẽ thống nhất với UBND cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các sở GD&ĐT chủ trì. Công tác coi thi, chấm thi sẽ có sự tham gia của cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ cùng giáo viên các trường THPT.
Các Sở Giáo dục, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi vào trung tuần tháng 3; nhập dữ liệu vào phần mềm quản lý thi và chuyển dữ liệu về Bộ GD&ĐT vào giữa tháng 4 hằng năm.
Theo Bộ Giáo dục, những đổi mới của kỳ thi đều theo hướng nhẹ nhàng, tạo cho các em nhiều cơ hội chọn trường, chọn ngành phù hợp.
Các phương án thi quốc gia chung từng được đề xuất
Hoàng Thuỳ