Năm 2017, cả nước có hơn 756.000 thí sinh dự thi môn Ngoại ngữ gồm tiếng Anh, Pháp, Nga, Đức, Nhật, Trung Quốc, trong đó tiếng Anh chiếm đa số. Đây là con số dự thi cao nhất từ trước đến nay, bởi Ngoại ngữ trở thành môn thi bắt buộc để xét tốt nghiệp, chứ không phải môn tự chọn như trước.
(Nhấp vào thanh điểm trung bình của từng địa phương để xem số liệu cụ thể)
Với lợi thế đô thị, tiếp xúc với ngoại ngữ nhiều, TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu đã góp mặt trong top 10 địa phương có điểm trung bình cao nhất. Cụ thể, TP HCM đứng đầu với 5,9 điểm, Bà Rịa - Vũng Tàu xếp thứ ba với 5,1, Hà Nội xếp thứ 4 với 5 điểm, Đà Nẵng xếp thứ 6 với 4,95 điểm.
Trừ TP HCM có điểm trung bình đạt gần 6 điểm, 9 địa phương còn lại trong top 10 chỉ đạt từ 4,8 đến 5,1 điểm. Tuy điểm trung bình Ngoại ngữ thấp nhất trong 9 môn thi, tính riêng tiếng Anh là 4,6 điểm, nhưng so với hai kỳ thi THPT quốc gia trước đó, con số này đã được cải thiện rõ rệt (tăng từ 1 đến hơn 2 điểm).
Ngoài Hà Nội, Nam Định là đại diện còn lại của phía Bắc góp mặt trong top 10.
Tương tự như Toán, 10 tỉnh có điểm trung bình Ngoại ngữ thấp nhất đều thuộc khu vực miền núi phía Bắc với mức điểm không vượt quá 3,7. Điều này không bất ngờ vì trong hai kỳ thi năm 2015 và 2016, điểm Ngoại ngữ của khu vực này luôn xếp cuối dù khi đó Ngoại ngữ vẫn là môn tự chọn. Thậm chí năm 2016, tỉnh Lai Châu không có thí sinh nào chọn môn thi này.
Năm nay, Lai Châu có điểm trung bình Ngoại ngữ thấp thứ 9 với 3,6361 điểm. Sơn La xếp cuối bảng với 3,317 điểm, không có thí sinh nào đạt điểm tuyệt đối, đồ thị phổ điểm lệch hẳn về bên trái.
Thí sinh truy cập vào diemthi.vnexpress.net, nhập tên hoặc số báo danh và lựa chọn cụm thi để biết điểm, phổ điểm của 9 môn thi ở địa phương mình và trên toàn quốc. Phổ điểm của từng môn thi giúp các em biết vị trí của mình so với tổng số thí sinh dự thi, đo lường cơ hội trúng tuyển đại học, cao đẳng, từ đó quyết định có nên điều chỉnh nguyện vọng hay không. |