BẬC 4 – TRUNG CẤP
1. Mô tả tổng quát
Có thể hiểu ý chính của một văn bản phức tạp về các chủ đề cụ thể và trừu tượng, kể cả những trao đổi kỹ thuật thuộc lĩnh vực chuyên môn của bản thân. Có thể giao tiếp ở mức độ trôi chảy, tự nhiên với người bản ngữ. Có thể viết được các văn bản rõ ràng, chi tiết với nhiều chủ đề khác nhau và có thể giải thích quan điểm của mình về một vấn đề, nêu ra được những ưu điểm, nhược điểm của các phương án lựa chọn khác nhau.
2. Mô tả các kỹ năng
2.1. Mô tả kỹ năng nghe
2.1.1. Đặc tả tổng quát cho kỹ năng nghe
- Có thể nghe hiểu các bài nói trực tiếp hoặc ghi lại về các chủ đề quen thuộc và không quen thuộc trong cuộc sống cá nhân, xã hội, học tập hay nghề nghiệp khi được diễn đạt rõ ràng và bằng giọng chuẩn.
- Có thể hiểu ý chính của các bài nói phức tạp cả về nội dung và ngôn ngữ, được truyền đạt bằng ngôn ngữ chuẩn mực về các vấn đề cụ thể hay trừu tượng (bao gồm cả những cuộc thảo luận mang tính kỹ thuật) trong lĩnh vực chuyên môn của mình.
- Có thể theo dõi được bài nói dài cũng như các lập luận phức tạp về các chủ đề quen thuộc khi bài nói có cấu trúc rõ ràng.
2.1.2. Nghe hội thoại giữa những người bản ngữ hay những người không trực tiếp đối thoại
- Có thể nắm bắt phần lớn nội dung những hội thoại hay độc thoại mặc dù có thể gặp khó khăn để hiểu toàn bộ các chi tiết của một số hội thoại hay độc thoại nếu người nói không điều chỉnh ngôn ngữ cho phù hợp.
- Có thể theo dõi và hiểu được các hội thoại hay độc thoại sôi nổi của người bản ngữ.
2.1.3. Nghe trình bày và hội thoại
- Có thể theo dõi và hiểu được các ý chính trong các bài giảng, bài phát biểu, bài tường thuật và các dạng trình bày khác trong học thuật hay nghề nghiệp có sử dụng ngôn ngữ và ý tưởng phức tạp.
2.1.4. Nghe thông báo, hướng dẫn, chỉ dẫn
- Có thể hiểu các thông báo và tin nhắn về một đề tài cụ thể hay trừu tượng được diễn đạt bằng phương ngữ chuẩn với tốc độ nói bình thường.
2.1.5. Nghe đài và xem truyền hình
- Có thể hiểu được hầu hết các chương trình tài liệu trên đài phát thanh và truyền hình.
- Có thể nhận ra tâm trạng, giọng điệu của người nói.
- Có thể hiểu các văn bản ghi âm, truyền hình sử dụng ngôn ngữ chuẩn thường gặp trong đời sống xã hội, nghề nghiệp hay học thuật. Xác định được quan điểm và thái độ của người nói cũng như nội dung thông tin được phát ngôn.
2.2. Mô tả kỹ năng nói
2.2.1. Đặc tả tổng quát cho kỹ năng nói độc thoại
- Có thể giao tiếp độc lập về nhiều chủ đề, có lập luận và cấu trúc mạch lạc, kết nối giữa các ý trong trình bày, sử dụng ngôn từ trôi chảy, chính xác.
- Có thể trình bày về ý nghĩa của một sự kiện hay trải nghiệm của cá nhân, giải thích và bảo vệ quan điểm của mình một cách rõ ràng bằng lập luận chặt chẽ và phù hợp.
2.2.2. Nói độc thoại: Mô tả kinh nghiệm
- Có thể mô tả rõ ràng, chi tiết về các chủ đề liên quan hoặc thuộc lĩnh vực quan tâm.
2.2.3. Nói độc thoại: Lập luận
- Có thể lập luận một cách có hệ thống, nhấn mạnh được những điểm quan trọng bằng những chi tiết minh họa liên quan.
2.2.4. Nói độc thoại: Trình bày trước người nghe
- Có thể trình bày một cách rõ ràng những bài thuyết trình đã được chuẩn bị, nêu được lý do ủng hộ hay phản đối một quan điểm cụ thể, đưa ra những lợi thế và bất lợi của những lựa chọn khác nhau.
- Có thể trả lời các câu hỏi sau khi trình bày một cách lưu loát, tự nhiên, không gây căng thẳng cho bản thân hay cho người nghe.
- Có thể trình bày những bài thuyết trình phức tạp, trong đó nhấn mạnh được những điểm chính và có chi tiết minh họa rõ ràng.
2.2.5. Đặc tả tổng quát cho kỹ năng nói tương tác
- Có thể giao tiếp khá lưu loát, tự nhiên, duy trì quan hệ với người bản ngữ mà không làm khó cho cả hai bên. Có thể giải trình ý quan trọng thông qua kinh nghiệm cá nhân, lý giải và duy trì quan điểm một cách rõ ràng với những lập luận và minh chứng liên quan.
- Có thể sử dụng ngôn ngữ thành thạo, chính xác và hiệu quả về các chủ đề chung, các chủ đề về giải trí, nghề nghiệp và học tập, tạo ra mối liên kết giữa các ý một cách rõ ràng.
- Có thể giao tiếp một cách tự nhiên, sử dụng tốt cấu trúc ngữ pháp và không gặp khó khăn khi diễn đạt phù hợp với hoàn cảnh.
2.2.6. Nói tương tác: Hội thoại
- Có thể tham gia vào các hội thoại mở rộng về hầu hết các chủ đề ngay cả trong môi trường có nhiều tiếng ồn.
- Có thể duy trì hội thoại với người bản ngữ qua cách pha trò, đàm tiếu, trêu nhau.
- Có thể truyền đạt các mức độ cảm xúc và làm nổi bật tầm quan trọng của kinh nghiệm cá nhân.
2.2.7. Nói tương tác: Giao dịch hàng hóa và dịch vụ
- Có thể sử dụng ngôn ngữ để đàm phán một phương án giải quyết mâu thuẫn như vé đi lại, dịch vụ kém, trách nhiệm bồi thường tài chính cho những tổn thất hoặc trách nhiệm về hàng hóa, dịch vụ không đúng trong hợp đồng.
- Có thể phác thảo một kịch bản đền bù, sử dụng những từ ngữ thuyết phục để đạt được sự hài lòng và làm rõ những giới hạn đối với bất kỳ sự nhượng bộ nào đã chuẩn bị sẵn.
2.2.8. Nói tương tác: Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn
- Có thể đưa ra ý tưởng, mở rộng và phát triển chủ đề trong khi phỏng vấn nếu có sự giúp đỡ hoặc khuyến khích từ người phỏng vấn.
- Có thể tiến hành một cuộc phỏng vấn một cách trôi chảy và có hiệu quả, xuất phát một cách tự nhiên từ các câu hỏi đã chuẩn bị sẵn, tiếp nối bằng phần trả lời sáng tạo, thăm dò.
2.2.9. Phát âm và độ lưu loát
- Phát âm và ngữ điệu rõ ràng, tự nhiên.
- Có thể giao tiếp dễ dàng và tương đối lưu loát, kể cả với các đoạn nói dài và phức tạp.
2.2.10. Độ chuẩn xác và phù hợp về mặt ngôn ngữ xã hội
- Có thể sử dụng tương đối chính xác từ vựng, cấu trúc ngữ pháp trong giao tiếp tuy đôi khi vẫn cần hỗ trợ lựa chọn từ ngữ phù hợp.
- Có thể diễn đạt ý một cách tự tin, rõ ràng và lịch sự bằng ngôn ngữ trang trọng cũng như thông tục, phù hợp với vai, đối tượng và hoàn cảnh giao tiếp.
2.2.11. Mức độ hoàn thành nhiệm vụ bài thi
- Hoàn thành vừa đủ nhiệm vụ bài thi; phần lớn các câu trả lời phù hợp nhưng một số ít có thể không phù hợp hoặc mơ hồ (có thể do không hiểu văn bản).
2.3. Mô tả kỹ năng đọc
2.3.1. Đặc tả tổng quát cho kỹ năng đọc
- Có thể đọc một cách tương đối độc lập, có khả năng điều chỉnh cách đọc và tốc độ đọc theo từng dạng văn bản và mục đích đọc cũng như sử dụng các nguồn tham khảo phù hợp một cách có chọn lọc. Có một lượng lớn từ vựng chủ động phục vụ quá trình đọc nhưng có thể vẫn còn gặp khó khăn với các thành ngữ ít xuất hiện.
2.3.2. Đọc lấy thông tin và lập luận
- Có thể hiểu các bài báo và các báo cáo liên quan đến các vấn đề thời sự, trong đó tác giả thể hiện lập trường hoặc quan điểm cụ thể.
2.3.3. Đọc tìm thông tin
- Có thể đọc lướt nhanh các văn bản dài và phức tạp để định vị được các thông tin hữu ích.
- Có thể nhanh chóng xác định nội dung và mức độ hữu ích của các bài báo và các bản báo cáo liên quan đến nhiều loại chủ đề chuyên môn để quyết định xem có nên đọc kỹ hơn hay không.
2.3.4. Đọc văn bản giao dịch
- Có thể đọc thư từ liên quan đến sở thích của mình và dễ dàng nắm bắt được ý nghĩa cốt yếu.
- Có thể hiểu các bản hướng dẫn dài, phức tạp trong lĩnh vực chuyên môn của mình, bao gồm các chi tiết về điều kiện và cảnh báo, với điều kiện được đọc lại các đoạn khó.
2.3.5. Đọc xử lý văn bản
- Có thể tóm tắt nhiều loại văn bản thực tế và hư cấu, có thể đưa ra nhận định, thảo luận về các quan điểm đối lập và các chủ đề chính.
- Có thể tóm tắt các đoạn trích từ báo chí, các đoạn phỏng vấn hoặc các loại tài liệu có bao hàm ý kiến, lập luận và thảo luận.
2.4. Mô tả kỹ năng viết
2.4.1. Đặc tả tổng quát cho kỹ năng viết sản sinh
- Có thể viết bài chi tiết, rõ ràng về nhiều chủ đề quan tâm khác nhau, đưa ra những thông tin và lập luận từ một số nguồn khác nhau.
2.4.2. Viết sản sinh: Viết sáng tạo
- Có thể miêu tả rõ ràng, chi tiết về các sự kiện hay những trải nghiệm thật hoặc giả tưởng, thể hiện được mối liên hệ giữa các ý trong một bài viết có liên kết chặt chẽ theo cách hành văn cho thể loại có liên quan.
- Có thể miêu tả rõ ràng, chi tiết về những chủ đề thuộc mối quan tâm cá nhân.
- Có thể viết bài nhận xét về một bộ phim, một cuốn sách hoặc một vở kịch.
2.4.3. Viết sản sinh: Viết báo cáo và tiểu luận
- Có thể viết một bài luận hoặc một báo cáo, phát triển các lập luận một cách hệ thống, nêu bật được những ý chính và có những minh họa phù hợp.
- Có thể đánh giá các ý kiến khác nhau và các giải pháp cho một vấn đề.
- Có thể viết một bài luận hoặc một báo cáo phát triển một lập luận nào đó, nêu lý do tán thành hay phản đối một quan điểm nào đó và giải thích những ưu điểm và nhược điểm của các giải pháp khác nhau.
- Có thể tổng hợp thông tin và lập luận từ nhiều nguồn khác nhau.
2.4.4. Viết tương tác: Đặc tả tổng quát cho kỹ năng viết tương tác
- Có thể truyền đạt tin tức, diễn đạt quan điểm một cách hiệu quả dưới hình thức viết và liên kết tin tức, quan điểm của người khác.
2.4.5. Viết tương tác: Thư từ giao dịch
- Có thể viết thư từ giao dịch với các mức độ cảm xúc và thái độ, nêu được ý kiến cá nhân, trả lời và bình luận về ý kiến và quan điểm của người nhận thư.
2.4.6. Viết tương tác: Ghi chép, nhắn tin, điền biểu mẫu
- Có thể viết các ghi chú truyền đạt thông tin đơn giản về những nội dung liên quan tới bạn bè, nhân viên dịch vụ, giáo viên và những người thường gặp trong cuộc sống hằng ngày, làm rõ được các điểm quan trọng trong tin nhắn.
- Có thể hiểu các tin nhắn có nội dung yêu cầu hoặc giải thích vấn đề.
2.4.7. Xử lý văn bản
- Có thể tóm tắt các loại văn bản thực tế hay giả tưởng, nhận xét, thảo luận và đối chiếu những quan điểm khác nhau và các chủ điểm chính. Có thể tóm tắt những đoạn trích từ các nguồn như tin tức, phỏng vấn, hay tư liệu có những quan điểm, tranh luận hay thảo luận. Có thể tóm tắt cốt truyện hay trình tự các sự kiện trong một bộ phim hay một vở kịch.
2.4.8. Tiêu chí ngôn ngữ chung
- Có thể diễn đạt về bản thân một cách rõ ràng, ít có dấu hiệu về giới hạn điều người viết muốn diễn đạt. Có đủ vốn từ để có thể miêu tả một cách rõ ràng, bày tỏ quan điểm và triển khai lập luận mà không thấy có dấu hiệu phải tìm từ, thể hiện khả năng sử dụng một vài kiểu câu phức tạp để diễn đạt.
2.4.9. Phạm vi từ vựng
- Có vốn từ rộng về các vấn đề liên quan tới lĩnh vực của người sử dụng ngôn ngữ và hầu hết các chủ đề chung. Có khả năng hành văn đa dạng nhằm tránh lặp từ thường xuyên, nhưng do vốn từ vẫn còn thiếu nên khi diễn đạt vẫn còn ngập ngừng, dài dòng.
2.4.10. Kiểm soát từ vựng
- Mức độ chính xác trong việc sử dụng từ nhìn chung là cao. Tuy đôi chỗ còn gây hiểu nhầm và sự lựa chọn từ còn chưa chính xác, nhưng điều đó không làm cản trở quá trình giao tiếp.
2.4.11. Độ chính xác về ngữ pháp
- Kiểm soát ngữ pháp tốt, đôi khi cũng có những lỗi nhỏ trong cấu trúc câu nhưng hiếm khi xảy ra và khi nhìn lại thì có thể sửa được ngay. Không mắc lỗi gây ra sự hiểu lầm.
2.4.12. Độ chính xác về chính tả
- Có thể viết được một đoạn văn rõ ràng, dễ hiểu theo đúng các tiêu chí về phân đoạn và bố cục chuẩn của một đoạn văn. Có thể sử dụng chữ viết và dấu câu tương đối chính xác nhưng vẫn còn dấu hiệu bị ảnh hưởng tiếng mẹ đẻ.
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn tại đây