Ngày 5/10, tại buổi tổng kết việc thực hiện đề án lệch ca, lệch giờ của ngành giáo dục TP HCM, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo - ông Nguyễn Văn Gia Thụy (Phó trưởng phòng Chính trị tư tưởng) cho biết phương án này được áp dụng từ năm 2006-2007.
Trước đó, bậc mầm non vào học lúc 7h30, về 16h; bậc tiểu học vào học lúc 7h và chiều 13h. Theo điều chỉnh của đề án, bậc mầm non giữ nguyên khung giờ, trong khi bậc tiểu học vào buổi sáng giữ nguyên, buổi chiều sẽ học trễ hơn 15 phút. Các bậc học THCS, THPT đều được điều chỉnh vào học trễ hơn 15 phút.
Báo cáo của các phòng giáo dục gửi về Sở cho thấy, sau thời gian thực hiện đề án tình trạng lấn chiếm lòng lề đường giảm rất nhiều. Việc điều chỉnh lệch giờ học và giờ đi về giữa các trường cùng một tuyến đường trọng điểm được các trường tham gia khá tốt, làm giảm ùn tắc giờ cao điểm.
"Cổng trường chỉ còn ùn ứ. Chính quyền, công an các địa phương hỗ trợ tích cực trong việc giữ gìn an ninh, trật tự trước cổng trường", ông Thụy nói.
Các trường có bãi sân rộng mở cổng cho phụ huynh vào đón con em mỗi giờ tan học như: Tiểu học Lương Định Của (quận 3), Tiểu học Minh Đạo, Tiểu học Chánh Nghĩa (quận 5), THCS Lê Quý Đôn (quận 11)... Nơi nào không có bãi xe rộng thì trường và địa phương tìm nơi lân cận để phụ huynh có chỗ đưa đón con em.
Sắp tới Sở Giáo dục duy trì giờ học và giờ về như đề án, khuyến khích học sinh đi phương tiện công cộng.
Đánh giá phương án bố trí lệch ca, lệch giờ đã mang lại những hiệu quả nhất định, song báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM cho rằng, nhiều trường phổ thông vẫn còn hiện tượng ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Nguyên nhân được cho là ý thức chưa tốt của phụ huynh khi đón con, sự phát triển của phương tiện cá nhân quá nhanh, hệ thống giao thông công cộng kém và học sinh chưa hình thành thói quen đi bộ đến trường.
Ngoài ra, Viện chỉ ra rằng, khi kinh tế ngày càng phát triển các gia đình có điều kiện nên thường đón con bằng ôtô. Nhiều người không chấp hành quy định đậu cách cổng trường 50 m nên dễ gây ùn tắc.
Một số trường gần các nút giao thông, gần chợ, mặt đường chật hẹp nên cũng dễ xảy ra ùn tắc. Đồng thời, các giải pháp hiện nay chỉ chủ yếu là nhắc nhở nhưng không có chế tài, xử lý vi phạm nên gây ra hiện tượng nhiều bậc cha mẹ "lờn" quy định.
Ông Lê Hoài Trung (Phó giám đốc Sở Nội vụ TP HCM) lại cho rằng, phương án bố trí lệch ca, lệch giờ trong ngành giáo dục phải có sự đồng bộ phương án với các ngành khác. Bởi học sinh vào học sớm hoặc học trễ hơn 15 phút so với trước đây nhưng giờ làm của cha mẹ là cố định, nên phương án này không thay đổi được thời gian đưa con họ đi học.
"Chưa kể là trẻ về sớm hơn 15 phút thì cha mẹ lại bỏ việc để đón con sớm hơn, ảnh hưởng chung đến việc cơ quan. Như vậy, người chịu ảnh hưởng đề án lệch ca trong giáo dục là phụ huynh, các cơ quan thực hiện cần tham khảo ý kiến, nguyện vọng của họ", ông Trung nói.
Chủ trương học lệch giờ được chính quyền TP HCM nghiên cứu từ năm 2001. Tháng 10/2007, thành phố đưa ra kế hoạch 6650 với 8 giải pháp cấp bách nhằm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông. Trong đó, giải pháp đầu tiên và được xem là trọng tâm là bố trí lại giờ làm việc và học tập.
Cuối năm ngoái, ông Lê Văn Khoa (Phó chủ tịch UBND thành phố) giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Sở Giáo dục - Đào tạo và các đơn vị liên quan nghiên cứu đề án đi làm lệch ca, lệch giờ để kéo giảm tình trạng kẹt xe.
Phân bố lệch giờ của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM từ năm 2007 đến nay.
Bậc học | Giờ học | Giờ về |
Mầm non | Sáng: 7h30 | Chiều: 16h |
Tiểu học | Sáng: 7h; Chiều: 13h15 | Sáng: 11h; Chiều: 16h45 |
Trung học cơ sở | Sáng: 7h15; Chiều: 13h15 | Sáng: 11h30; Chiều: 17h15 |
Trung học phổ thông | Sáng: 7h; Chiều: 13h | Sáng: 11h30; Chiều: 17h30 |