Lý Phật Tử sau khi được chia đất, kết thông gia với vua Triệu Việt Vương, vẫn mưu đồ thôn tính ngai vàng. Ông luôn ngấm ngầm chuẩn bị lực lượng, chờ cơ hội hành động.
Năm 571, Phật Tử làm phản, bất ngờ đem quân đánh Triệu Việt Vương. Vì không phòng bị, vua họ Triệu thua trận, chạy đến cửa biển Đại Nha (nay là cửa sông Đáy, Nam Định) thì cùng đường và gieo mình xuống biển tự tử. Ông chết khi ở ngôi vua 23 năm.
Sử thần Ngô Sĩ Liên, trong phần ghi chép ở Đại Việt sử ký toàn thư đã lên án hành vi của Lý Phật Tử: "Việt Vương lấy lòng thành đối đãi, cắt đất cho ở, những việc làm của Việt Vương đều là chính nghĩa, giao hảo phải đạo, thăm viếng phải thời, há chẳng phải là đạo trị yên lâu dài hay sao? Thế mà Lý Phật Tử lại dùng mưu gian của Nhã Lang, vứt bỏ chính đạo nhân luân, kíp tham công lợi mà diệt nhân nghĩa, đánh cướp lấy nước, tuy rằng lấy được, mà Nhã Lang thì chết trước, bản thân cũng không khỏi làm tù, có lợi gì đâu".
Thương tiếc vị vua tài đức Triệu Việt Vương, nhân dân đã lập đền thờ tại nơi ông mất. Nhiều năm sau, các vua nhà Trần là Nhân Tông và Anh Tông sách phong Triệu Việt Vương là Minh Đạo Hoàng Đế và ban 4 chữ "Thánh Liệt Thần Vũ", để tỏ lòng thành kính, tri ân.
Về phần Lý Phật Tử, sau khi ở ngôi 32 năm, đến năm 602 khi giặc phương Bắc tràn xuống xâm chiếm đã sợ hãi xin hàng và bị đưa về phương Bắc, chết ở đó. Người dân làm đền thờ ông đối diện với đền thờ Triệu Việt Vương ở cửa biển Đại Nha.
Câu 5: Phố mang tên Triệu Việt Vương ở Hà Nội được mệnh danh là gì?